Tổng Bí thư Tô Lâm nêu những việc cần làm ngay của ngành giáo dục

Sáng nay 18/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.


Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng, biểu dương những thành tựu trong đổi mới giáo dục, đào tạo thời gian qua của toàn ngành giáo dục, của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tổng Bí thư cũng gửi lời cảm ơn và chúc mừng tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.


Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Trần Hiệp

Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất và chưa đáp ứng kỳ vọng.


“Nhân lực vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Một số hạn chế của giáo dục, đào tạo kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm", Tổng Bí thư nói. Đó là các vấn đề: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, còn lúng túng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế; giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” về thực hành; chưa gắn kết chặt giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường.


Hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo. Điều này không chỉ gây ra lãng phí lớn, mà còn phản ánh rõ nét hạn chế của giáo dục đào tạo. Phương pháp giáo dục chưa phát huy được sự tích cực, sáng tạo của người học, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng và phẩm chất cho người học...


Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới, một bộ phận nhỏ vẫn còn có biểu hiện vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.


Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, trong khi xã hội hoá các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.


Theo Tổng Bí thư, cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước.


Để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.


Điều này đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, quyết tâm rất lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.


Tổng Bí thư cho hay, mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được, đó là hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng.


Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng tri thức, kỹ năng, phẩm chất của người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng thực học, chống bệnh thành tích. Chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, dạy cách học, cách tư duy là chủ yếu.


Phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030 Việt Nam trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt top 100 trường hàng đầu trên thế giới.


Nữ sinh Lê Huyền Trang (giành giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội) tặng hoa Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Trần Hiệp

Tổng Bí thư cũng nêu một số công việc cần làm ngay của ngành.


Thứ nhất, có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”.


“Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ rất lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra hết sức cấp thiết”.


Thứ ba, cần tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Tổng Bí thư cho rằng, cần tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo.


Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo.


“Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo”, Tổng Bí thư nói.


20/11 không hoa của những người thầy ở trường giáo dưỡng

Cũng ngày đêm miệt mài gieo mầm tri thức, nhưng những người thầy đặc biệt ở Trường Giáo dưỡng số 2 chưa từng cảm nhận niềm vui nhận hoa từ học trò.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Làm giáo dục là một việc khó'

Ngày 17/11, Bộ GD-ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.