Ngày 11/4, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) thông báo miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ, cũng như máy móc để sản xuất bán dẫn, pin mặt trời. Ngày 13/4, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng các sản phẩm này "đang dịch chuyển sang một mức thuế khác".
Theo Reuters, dù có thể vẫn bị áp thuế khác, diễn biến mới có lợi cho các hãng công nghệ, đặc biệt là Apple vốn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nước ngoài.
Dẫn hai nguồn tin nội bộ, Washington Post cho biết CEO Apple Tim Cook đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick từ tuần trước để trao đổi về tác động tiềm tàng của thuế quan đối với giá iPhone. Ông cũng nói chuyện với một số quan chức cấp cao khác tại Nhà Trắng về vấn đề này.
Khác với các CEO công nghệ khác, Cook không chỉ trích công khai Tổng thống Mỹ trên truyền thông về chính sách thuế đối ứng mới. Thay vào đó, ông chọn gặp gỡ riêng.
Trước đó, theo Bloomberg, thuế đối ứng của ông Trump khiến nhiều lãnh đạo công nghệ không ngồi yên. Một số CEO như Jensen Huang của Nvidia, Sundar Pichai của Google và Tim Cook của Apple đã tới Nhà Trắng và Mar-a-Lago để tìm cách hạn chế tác động. Washington Post mô tả chính sách mới "gây ra một cơn sốt vận động hành lang" ở Washington, khi các công ty chạy đua để giảm các thiệt hại tài chính tiềm tàng.
Kết quả là chính quyền Trump đồng ý ngồi lại với các công ty, nhưng Tổng thống Mỹ được cho là ghét sự "miễn trừ", vì làm suy yếu tầm quan trọng của chính sách thuế mới. Khoảng một tuần sau, thuế mới được tạm hoãn với đồ điện tử. Dù không được miễn trừ hoàn toàn, giới quan sát đánh giá Apple và một số công ty đã giành được chiến thắng đáng kể về thuế quan.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai phủ nhận chính quyền "thực hiện bất kỳ ưu đãi cụ thể nào cho Tim Cook và Apple". Tuy nhiên, nói với báo giới đầu tuần này, ông Trump cho biết: "Gần đây tôi đã nói chuyện với Tim Cook. Tôi đã giúp ông ấy và toàn bộ ngành đó. Tôi không muốn làm tổn thương ai cả".
"Tim có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống. Ông ấy rất thận trọng vì rõ ràng ông ấy phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với Mỹ", Wilbur Ross, cựu bộ trưởng thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhận xét.
Theo Ross, Cook "rất được kính trọng" vì không phải người hay than vãn, giúp ông có được thiện cảm của Tổng thống Mỹ. "Tôi không ngạc nhiên khi những đề xuất của ông ấy được đón nhận nồng nhiệt", Ross nói thêm.
Ông Trump và Cook có mối quan hệ thân thiết, được đánh giá là "nguồn gốc thực sự của sự ghen tị và noi theo trong giới kinh doanh". Trong nhiệm kỳ đầu, cả hai dùng bữa tối riêng, sau đó ông Trump đồng ý cắt giảm thuế đối với Trung Quốc sau khi Cook trực tiếp yêu cầu.
Đầu tháng này, Washington Post dẫn lời của một người tham dự buổi trao tặng một triệu USD cho quỹ nhậm chức Tổng thống cuối năm ngoái, rằng ông Trump đã hỏi nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen nghĩ gì về Cook. Andreessen trả lời ông rất ấn tượng với khả năng lãnh đạo của CEO Apple. Trump đồng ý và nói ông cũng đánh giá cao cách Tim Cook gặp ông trực tiếp mà không cần trung gian.
Kể từ khi lệnh miễn trừ thuế được công bố, cổ phiếu Apple phục hồi 7% giá trị. Theo ước tính của công ty tài chính Wedbush Securities, mức thuế 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến Apple phải tính phí hơn 2.000 USD cho iPhone Pro. Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ tại Wedbush Securities, nói với CNN rằng mức giá thậm chí có thể tăng lên 3.500 USD nếu được sản xuất tại Mỹ thay vì 1.000 USD như hiện tại.
Bảo Lâm tổng hợp
- Giá iPhone có thể tăng gấp ba nếu sản xuất tại Mỹ
- 'Apple chở 600 tấn iPhone từ Ấn Độ về Mỹ'
- Giá iPhone có thể tăng gấp ba nếu sản xuất tại Mỹ
- 'Apple chở 600 tấn iPhone từ Ấn Độ về Mỹ'