Ngày 21/4, báo Tiền Phong phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo Đáp ứng điện mùa nắng nóng - Thách thức và giải pháp.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, cả nước, đặc biệt là miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ nhiều nơi chạm ngưỡng 38 độ C. Tình trạng này khiến nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là cho sinh hoạt và làm mát, tăng đột biến, tạo áp lực lớn lên toàn bộ hệ thống điện, từ khâu phát điện, truyền tải đến phân phối.

"Đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng không thể chỉ dựa vào nỗ lực của ngành điện, mà cần sự đồng hành, sẻ chia và phối hợp chặt chẽ từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội," ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Lâm, hiện EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 8.800MW, trong đó có dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trong năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, các đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, cùng dự án cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), trong 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng điện cung cấp trên địa bàn đạt 9.600 triệu kWh, giảm nhẹ 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công suất cực đại đã tăng 0,39%, đạt 9.419MW.
Đáng chú ý, trong tháng 3, thời điểm nắng nóng cao điểm, sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày tại TPHCM tăng 16,32% so với tháng 2, đạt gần 87 triệu kWh/ngày. Riêng điện sinh hoạt tháng 4 đạt 42,64 triệu kWh, tăng hơn 20% so với tháng trước. Đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, nền nhiệt tại thành phố dao động 35-37 độ C, đẩy mức tiêu thụ điện trung bình lên đến 88,25 triệu kWh/ngày.

Ông Kiên cho biết, trước diễn biến này, Điện lực TPHCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như: kiểm tra toàn diện lưới điện, bảo trì trạm biến áp và đường dây trọng điểm, đảm bảo không xảy ra quá tải cục bộ. Đồng thời, các biện pháp chuyển tải, điều chỉnh phụ tải và thúc đẩy tiết kiệm điện cũng được đẩy mạnh.
Một điểm sáng là độ tin cậy cung cấp điện tại TPHCM tiếp tục được duy trì ở mức cao. Trong 4 tháng đầu năm, mỗi khách hàng chỉ ghi nhận trung bình 0,08 lần mất điện, với tổng thời gian mất điện chưa tới 7 phút.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho rằng, việc bảo đảm cung cấp điện ổn định phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, luôn được các cấp chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm. Ngành điện cần tiếp tục thích ứng linh hoạt với nhu cầu phụ tải tăng cao trong bối cảnh phát triển nhanh và đô thị hóa mạnh mẽ.