Trả lời:
Màng nhĩ là một lớp màng mỏng trong suốt hình bầu dục, là bộ phận đầu tiên tiếp nhận sóng âm từ bên ngoài. Sóng âm đi vào tai làm màng nhĩ rung lên. Độ rung của màng nhĩ được truyền đến chuỗi xương con trong tai giữa rồi truyền tiếp vào tai trong giúp nghe được âm thanh. Màng nhĩ còn có vai trò bảo vệ tai giữa và ngăn không cho vi khuẩn hay các vật thể lạ xâm nhập.
Màng nhĩ có độ đàn hồi tốt, nhưng độ dày trung bình chỉ khoảng 0,1 mm, có thể bị thủng do nhiều nguyên nhân như chấn thương vật lý, chấn thương do áp suất hoặc âm thanh, nhiễm trùng do viêm tai giữa. Thủng màng nhĩ thường làm giảm thính lực, một số trường hợp gây ra điếc hoàn toàn. Mức độ giảm thính lực phụ thuộc vào kích thước và vị trí lỗ thủng, nguyên nhân gây thủng. Các lỗ rách nhỏ làm giảm độ nhạy thính lực khoảng 10-15 dB. Các vết rách lớn hơn gây giảm thính lực 20-30 dB (mức khiếm thính nhẹ).
Hầu hết các trường hợp thủng màng nhĩ nhẹ có thể tự lành khi chăm sóc kỹ theo hướng dẫn bác sĩ hoặc điều trị nội khoa. Bác sĩ thường căn cứ vào nguyên nhân, thời gian và tình trạng kích thước lỗ thủng để xác định màng nhĩ có thể tự lành sau thủng hay không.
Trường hợp màng nhĩ không thể tự lành hoặc thủng màng nhĩ kèm viêm tai giữa... người bệnh được điều trị ổn định đợt nhiễm trùng và phẫu thuật vá màng nhĩ. Phẫu thuật chống chỉ định với bệnh nhân có u ác tính tai ngoài, tai giữa, viêm tai giữa biến chứng nội sọ đang tiến triển...
Bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, giữ tai khô vì nếu ướt có thể dẫn đến tránh nhiễm trùng. Nếu bạn chảy mủ, ù tai, nghe kém hơn, đau tai... nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng khám để bác sĩ điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |