Thủ tướng yêu cầu có ngay giải pháp thích ứng với chính sách xanh từ EU

Thỏa thuận xanh của EU đặt thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chủ động chuyển đổi xanh.


Tại công điện ngày 20/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh giải pháp phù hợp nhằm ứng phó, đáp ứng Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU).


EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Thỏa thuận Xanh được thông qua năm 2020, với nhiều chính sách ngày một chặt chẽ, nhằm giảm 55% phát thải vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (Corporate Sustainability Reporting Directive – CSRD) là một trong những chính sách tác động mạnh tới doanh nghiệp Việt, khi yêu cầu các doanh nghiệp EU công bố báo cáo phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.


Bên cạnh đó, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) áp thuế carbon với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thành viên dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính tại nước sản xuất.


Với thách thức mới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất, tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững.


Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương ưu tiên nghiên cứu quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái. Đồng thời, Bộ này cần nghiên cứu các quy định về hàm lượng tái chế với một số vật liệu, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.


Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phải triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực chịu tác động lớn từ chính sách xanh trên, Bộ trưởng phải xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải, thu hồi sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng...


Song song với đó, Bộ cần đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, tái chế, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động đến môi trường.


Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, Chủ tịch hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, từ hướng dẫn xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị), đến áp dụng mô hình bền vững, tuần hoàn.


"Về lâu dài, việc chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững nhiều tiềm năng", Thủ tướng nêu.


Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất và nhập khẩu sang thị trường này năm 2024 lần lượt đạt 62,3 tỷ USD và 21,4 tỷ USD, tăng 19,4% và 13,2% so với 2023. Triển vọng xuất khẩu kéo theo thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất.


Thủy Trương









Thu tuong yeu cau co ngay giai phap thich ung voi chinh sach xanh tu EU


Thoa thuan xanh cua EU dat thach thuc lon cho xuat khau Viet Nam, Thu tuong yeu cau cac Bo truong, Chu tich tinh, thanh thuc day kinh te tuan hoan, chu dong chuyen doi xanh.

Thủ tướng yêu cầu có ngay giải pháp thích ứng với chính sách xanh từ EU

Thỏa thuận xanh của EU đặt thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chủ động chuyển đổi xanh.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá