Tại cuộc họp tối 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là cần thiết, phải thực hiện để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Ông yêu cầu các đơn vị hoàn thiện dự thảo kết luận của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, để trình ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra. Bên cạnh đó, chương trình hành động của Chính phủ cũng cần được hoàn thiện, bảo đảm phân công rõ người, thời gian, trách nhiệm và thẩm quyền.
Thủ tướng cũng lưu ý muốn thành công phải cơ chế đặc biệt, khác biệt để thu hút nguồn vốn, nhà đầu tư có lợi nhuận và hai bên "cùng thắng". Do đó, các báo cáo, tờ trình, dự thảo phải làm rõ được lợi thế của Việt Nam, đánh giá tác động tích cực, các thách thức, rủi ro và giải pháp.
Theo dự thảo Nghị quyết thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính, Việt Nam sẽ xây một trung tâm tài chính quốc tế, nhưng đặt tại TP HCM và Đà Nẵng, thay hai trung tâm riêng biệt (quốc tế, khu vực) như trước. Trung tâm này được định hướng cung cấp các dịch vụ tài chính hiện đại như tài chính xanh, tài chính phái sinh, fintech, đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cho các dự án hạ tầng, năng lượng quy mô lớn.
Tại cuộc họp với TP HCM hôm 8/5, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố cần sớm có kế hoạch phát triển hạ tầng, nhân lực cho trung tâm tài chính.
Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế nhằm thu hút nguồn lực, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải có hệ thống chính sách đột phá, thu hút, thuyết phục được các nhà đầu tư tại Trung Đông, Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, châu Âu... tham gia các trung tâm này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thành hồ sơ nghị quyết, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Thủy Trương