Chiều tối 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các bộ ngành, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Thủ tướng đánh giá tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn và độ mở cao, do đó những biến động trên thế giới đều có thể ảnh hưởng.
Lãnh đạo Chính phủ nhắc lại tinh thần ứng phó là "không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ". Theo ông, việc Mỹ áp chính sách thuế quan mới ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, song không khó khăn bằng những năm đầu Đổi mới hay thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bị bao vây, cấm vận.
Mặt khác, Thủ tướng cho rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Do đó, "Việt Nam sẽ tăng cường đối thoại, đàm phán, không đối đầu, gây căng thẳng, làm phức tạp vấn đề", ông nói.
Nhà điều hành cũng định hướng lựa chọn cách tiếp cận thông minh, linh hoạt và "cố gắng làm những việc có thể làm, lựa chọn phương án hiệu quả nhất, hài hòa lợi ích hai bên".
Thủ tướng cũng nhắc lại Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là duy nhất. Việt Nam còn nhiều thị trường rất tiềm năng khác cần tận dụng hiệu quả hơn, nhất là khai thác 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh hơn, đủ bản lĩnh để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bất cứ sự kiện, biến động gì xảy ra trên thế giới và khu vực. "Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ, chỉ có mạnh lên, không được phép yếu đi", ông nói, lưu ý các cơ quan, doanh nghiệp đoàn kết, chung sức, đồng lòng trong lúc khó khăn.
Hôm 2/4, Mỹ công bố áp dụng thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%, dự kiến có hiệu lực từ 9/4. Chính sách này được nhìn nhận ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam như sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước...
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, khoảng 50 quốc gia đã đề nghị đàm phán với Mỹ. Song, Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất, đầu tiên trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất với phía Mỹ. Điều này đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng tình hình còn phức tạp, khó đoán định. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và đối tác có khả năng từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại - đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và những mặt hàng chiến lược. Điều này, theo các đại biểu, đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị trí ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại, thu hút đầu tư và tham gia các chuỗi cung ứng.
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%, để tạo nền tảng đạt hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Quý đầu tiên, GDP tăng 6,93%, cao nhất 5 năm.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện "bộ tứ chiến lược", gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sắp xếp tinh gọn bộ máy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế.
"Đây là những nội dung có liên kết chặt chẽ với nhau, việc khó mà chúng ta phải làm và tin chắc sẽ thành công", ông nói.
Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược theo hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh". Việc này để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về thể chế, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giảm thời gian, chi phí và điều kiện kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp ít nhất 30% trong năm nay. Ông giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2025-2026 và nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, nhà chức trách tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực, quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình, đề xuất giải pháp để tăng kết nối nền kinh tế Việt Nam với nước, khu vực sở tại. Việc kết nối gồm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, Chính phủ đề nghị doanh nghiệp đa dạng thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và tăng hợp tác, xúc tiến thương mại. "Doanh nghiệp cần nâng cao tính tự lực, tự cường, tái cơ cấu, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ và hoạt động đúng luật", ông nói thêm.
Phương Dung