Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam chia sẻ với các đối tác khác, nhất là hợp tác thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ được đặt trong tổng thể quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do và các hiệp ước quốc tế khác.
Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại còn Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%, dự kiến có hiệu lực từ 9/4.
Thủ tướng nêu rõ Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất. Do đó, đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
"Thị trường xuất khẩu cần cơ cấu lại và nâng chất lượng các mặt hàng để xâm nhập các thị trường khác còn nhiều tiềm năng, như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ, ASEAN", ông yêu cầu.
Việt Nam đã đi qua một phần tư thời gian của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm.
Thủ tướng nhìn nhận chính sách thuế đối ứng của Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, các nước đã có phản ứng khác nhau, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện "tất cả biện pháp có thể làm". Cụ thể, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao.
Trong nước, nhà điều hành có nhiều giải pháp liên quan quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ, như tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ. Các yêu cầu chính đáng của phía Mỹ đều được giải quyết trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, sáng 3/4, Chính phủ đã họp, báo cáo Bộ Chính trị tổng thể tình hình và các giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng giao thiệp với phía Mỹ, đề nghị tạm thời chưa áp thuế đối ứng để đàm phán cụ thể.
Ngày 5/4, Thường trực Chính phủ tiếp tục họp với các cơ quan liên quan để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Theo Thủ tướng, các giải pháp "rất tích cực, nhưng cũng giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, các cú sốc từ bên ngoài". Việc này để có giải pháp sáng tạo, chủ động, thích ứng linh hoạt, hiệu quả.
"Cách tiếp cận, xử lý vấn đề mang tính tổng thể, toàn diện, cả trước mắt và lâu dài, trực tiếp và gián tiếp, có diện rộng và trọng điểm, gồm biện pháp thương mại và phi thương mại để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc", ông nói.
Ba tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025, theo Cục Thống kê.
Thủ tướng đánh giá việc Việt Nam tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực và quốc tế là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nền kinh tế còn hạn chế như sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất còn lớn, sức mua phục hồi chậm, chính sách đất đai, thị trường bất động sản còn có những bất cập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ...
Ông đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng GDP 8% trở lên, tháo gỡ về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, các lĩnh vực động lực tăng trưởng.
Phương Dung