Tập gym vẫn mỡ máu cao

Bị trêu là "cành cây di động", Tuấn 27 tuổi quyết tập gym, dùng thực phẩm chức năng và ăn nhiều đạm "để tốt cho cơ bắp", kết quả mỡ máu tăng cao.


Chàng trai làm nghề bán hàng ở Hà Nội, bất ngờ khi nhận kết quả xét nghiệm chỉ số choresterol hơn 8 trong khi ngưỡng an toàn dưới 5,1 mmol/l, còn triglyceride - chỉ tình trạng bất thường của lượng lipid trong máu - cao gấp rưỡi bình thường. "Bác sĩ nói tôi mới 27 tuổi mà mỡ máu như người 50", Tuấn kể.


Tuấn bắt đầu tập gym nghiêm túc một năm qua với lịch tập 6 buổi/tuần, bao gồm bài tập tạ nặng, siết nhóm cơ, HITT, cardio. Anh đồng thời dùng đủ mọi loại thực phẩm bổ sung như whey protein, BCAA, cả những loại bột pha không nhãn mác được giới thiệu là hàng xách tay.


Với suy nghĩ "ăn càng nhiều đạm càng tốt cho cơ bắp", một ngày Tuấn nạp 180-200 protein - gấp đôi nhu cầu bình thường, khẩu phần ăn giàu thịt đỏ, trứng, sữa béo. Vài tháng sau, cơ thể nở nang song anh bắt đầu mệt mỏi, da nổi mụn, không tập trung làm việc.


"Tuấn ăn quá nhiều protein từ động vật, sử dụng thực phẩm bổ sung sai cách kết hợp tập luyện quá tải mà không có thời gian hồi phục khiến gan và hệ chuyển hóa bị rối loạn, chất béo tích tụ không được chuyển hóa tốt, sinh ra rối loạn lipid máu", bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe của Tuấn giải thích, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn kết hợp uống thuốc điều trị một thời gian.


Trường hợp của Tuấn không phải cá biệt. Huân, 28 tuổi, tập gym ba năm nay, trong lúc làm việc bỗng cảm thấy choáng váng, tim đập nhanh. Tưởng hạ đường huyết, anh uống nước và nằm nghỉ song tình trạng không giảm phải vào viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy Huân bị mỡ máu cao, chỉ số men gan tăng, dấu hiệu rối loạn nhịp tim do mất cân bằng điện giải - hậu quả của việc bổ sung thực phẩm quá mức và chế độ tập luyện kiệt sức.


Huân cho biết đã uống ít nhất 5 loại thực phẩm bổ sung, tập gym 2 lần/ngày kể cả khi mệt hoặc thiếu ngủ, ăn nhiều thịt đỏ giàu protein. Hiện anh phải dừng tập luyện, uống thuốc điều trị và thay đổi hoàn toàn chế độ ăn, giảm thực phẩm bổ sung.


Tập gym thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng khối cơ và hỗ trợ chuyển hóa. Tuy nhiên, thực tế ít người chú trọng chế độ ăn giàu protein động vật, bổ sung quá mức thực phẩm chức năng hay ăn kiêng sai cách có thể khiến lượng cholesterol xấu (LDL) tăng cao, theo bác sĩ Tân. Thêm vào đó, yếu tố stress do luyện tập quá độ cũng góp phần làm rối loạn lipid máu, đặc biệt là ở nam giới dưới 40 tuổi.


Nhiều sản phẩm tăng cân, tăng cơ chứa lượng chất béo và choresterol cao giúp người dùng tăng trọng lượng nhanh, vô tình dẫn tới tăng LDL (choresterol xấu) và triglycerid trong máu. Chưa kể, sử dụng quá liều có thể khiến gan và thận quá tải, ảnh hưởng quá trình chuyển hóa lipid. Đặc biệt, steroid đồng hóa ẩn trong một số sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể làm thay đổi cấu trúc lipid máu, tăng LDL, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch. Nhiều người tin rằng chỉ cần bổ sung thực phẩm chức năng là đủ, bỏ qua rau xanh, trái cây, chất xơ... khiến quá trình chuyển hóa chất béo kém hiệu quả.


Thịt đỏ có lượng chất béo bão hòa cao hơn các loại thịt trắng như thịt gà, cá, ăn thường xuyên có thể khiến nồng độ mỡ máu tăng dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Các loại hải sản cũng chứa lượng cholesterol khá cao, không nên ăn với lượng lớn và thường xuyên. Một số loại dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ không có cholesterol nhưng chứa nhiều axit béo bão hòa, không tốt cho người mắc bệnh tim mạch.


Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy ăn thịt đỏ có liên quan đến mức đường huyết, insulin. Theo Clevelandclinic, thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng mức cholesterol xấu, nguy cơ rối loạn mỡ máu và khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Công trình trên Medical News Today cho rằng ăn 1,1 phần (170-210 g) thịt đỏ mỗi ngày làm tăng 22% nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch. Người nào ăn thịt trong cả 3 bữa mỗi ngày sẽ làm tăng 82% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.


Mỡ máu cao ở người tập gym làm giảm hiệu quả tập luyện, khiến máu lưu thông kém, giảm oxy và dinh dưỡng đến cơ bắp, làm bạn dễ mệt mỏi và phục hồi chậm hơn. Cholesterol xấu tích tụ lâu ngày làm hẹp mạch máu, tăng rủi ro đau tim, đột quỵ - kể cả khi bạn có ngoại hình săn chắc.


Các chuyên gia nhìn nhận tập luyện là rất quan trọng, có thể làm giảm được LDL-C (mỡ máu xấu) và tăng HDL-C (mỡ máu tốt), song không phải tập nhiều là tốt mà cần vừa phải và đúng cách. Khoa học chứng minh trạng thái đốt mỡ tốt nhất của cơ thể là nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng, không để nhịp tim liên tục tăng quá cao.


Khi tập nên kết hợp 3 yếu tố: Đốt năng lượng qua bài cardio, chạy bộ; tăng sức mạnh cơ bắp qua bài kháng lực; rèn các bài tập cho cơ thể dẻo dai, linh hoạt, tăng sức bền như yoga. Hoạt động thể chất 4-6 tiếng/tuần, nếu ép bản thân hoạt động quá nhiều, cơ thể mệt mỏi, stress, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung. Ở một số người bận rộn việc tăng cường hoạt động thể chất, thậm chí trong khoảng thời gian ngắn vài lần một ngày, có thể lựa chọn đi bộ nhanh hằng ngày, đi xe đạp đi làm, chơi một môn thể thao yêu thích.


Người bị rối loạn mỡ máu nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một lộ trình tập luyện. Người trên 50 tuổi không nên vận động quá mạnh, luôn giữ cơ thể đủ nước trong khi tập luyện; mặc quần áo và giày tập thoải mái.


Thúy Quỳnh









Tap gym van mo mau cao


Bi treu la "canh cay di dong", Tuan 27 tuoi quyet tap gym, dung thuc pham chuc nang va an nhieu dam "de tot cho co bap", ket qua mo mau tang cao.

Tập gym vẫn mỡ máu cao

Bị trêu là "cành cây di động", Tuấn 27 tuổi quyết tập gym, dùng thực phẩm chức năng và ăn nhiều đạm "để tốt cho cơ bắp", kết quả mỡ máu tăng cao.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá