Nguyên Như là diễn giả trẻ nhất phát biểu tham luận tại tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ tại Ninh Bình, hôm 12/2, thuộc khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Anh nói về thực trạng thi ca hiện nay và quan niệm sáng tác.
- Anh nghĩ sao trước ý kiến ''Thơ ngày nay xa rời hiện thực'' mà các diễn giả nêu ở tọa đàm?
- Bằng quan sát cá nhân, tôi thấy hiện tại có nhiều người không quan tâm thi ca, hoặc nghĩ thơ trừu tượng, có những câu tối nghĩa hay mang ẩn ý của tác giả nhưng gây khó hiểu cho bạn đọc. Xã hội hiện đại, cuộc sống không còn thiếu thốn, con người ít đau khổ như xưa nên đôi khi những vần thơ được một số cây bút viết trong tưởng tượng, thể hiện những đau đớn, giằng xé ở không gian khác.
Tôi cho rằng thơ ca hay văn học nói chung cần gắn liền đời sống xã hội và thân phận con người, đi vào những tâm thức cá nhân, giúp giải tỏa tâm trạng người đọc. Khoảng hai năm trở lại đây, tôi bắt đầu điều chỉnh cách viết để gần gũi công chúng. Khát khao của tôi là muốn thế hệ cây viết trẻ tìm được một lối đi nhằm phục vụ độc giả nhưng vẫn đảm bảo phong cách của mình.
Tôi từng có 5 năm dấn thân tại TP HCM, gần 5 năm sống, học tập và làm việc ở Hà Nội. Mỗi giai đoạn đã qua, dù tốt hay xấu đều là chất liệu quý giá để tôi sáng tác. Tôi trăn trở với những biến chuyển của xã hội, vấn đề tha hóa đạo đức, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị thu hẹp.
- Anh nói gì trước ý kiến hiện nay "bội thực thơ dở''?
- Tôi không nghĩ thơ bây giờ dở mà chỉ bão hòa, do mọi người đã có nhiều hình thức giải trí hơn. Ngày xưa một cuốn sách rất quý, nhiều người truyền tay nhau để đọc. Tôi thường tự hỏi: ''Bây giờ người ta có cần thơ không?''. Một vấn đề nữa là việc cấp phép xuất bản dễ dàng hơn, trong nước có hàng nghìn câu lạc bộ thơ, ai cũng có thể ra mắt tác phẩm của mình. Chẳng may công chúng đọc được một ấn phẩm kém chất lượng, họ sẽ không còn hứng thú với thơ của tác giả khác, từ đó đánh giá xấu về chất lượng chung của thi ca hiện đại.
Lối thơ tự do là thách thức với thế hệ văn chương bây giờ. Tôi nghĩ thi ca hiện tại không quá quan trọng vần nhưng phải có nhịp điệu. Cả hai yếu tố đều biểu đạt tư tưởng cảm xúc, có thể chủ trương bỏ vần nhưng không được thiếu đi cái còn lại.
- Theo anh, nhà thơ có sống được bằng nghề ở thời này?
- Tôi nghĩ có thể nhưng họ sẽ không khá giả, chỉ được một vài người đếm trên đầu ngón tay. Cũng có ý kiến đề xuất các tổ chức cung cấp chế độ tốt hơn cho nhà thơ nhưng nhiều đơn vị còn phải dành tài chính cho những hoạt động lớn.
Thực ra, nhiều tác giả trẻ bây giờ viết lách bằng đam mê. Có người mất 3-4 năm hoàn thành cuốn tiểu thuyết nhưng sau khi được xuất bản chỉ nhận khoảng 20-30 triệu đồng. Vì vậy, họ phải làm thêm các công việc khác để duy trì cuộc sống.
- Hiện công việc sáng tác của anh thế nào?
- Tôi không đặt ra một ngày phải viết bao nhiêu bài thơ, bởi càng cố thì chất lượng tác phẩm càng dở. Làm thơ quan trọng phải có cảm hứng nhưng tôi cũng chú trọng đi nhiều hơn, quan sát, ghi nhớ, đọc chọn lọc. Khi công tác tại TP HCM, tôi chứng kiến những người 60, 70 tuổi vẫn đi phụ hồ, hay các bạn ở độ tuổi thiếu niên đã phải mưu sinh. Sau này bước chân vào con đường thi ca, những câu chuyện là chất liệu cho tôi viết.
Ngoài làm thơ, tôi thực hiện ký, tiểu thuyết và viết nhạc. Tôi có trang trại, làm kinh doanh và truyền thông cho một số doanh nghiệp nên không chịu gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tôi vui với việc viết, đi được đến đâu tôi đều bằng lòng. Với tôi, được hoàn thiện trọn vẹn tác phẩm của mình là khoảnh khắc thăng hoa nhất chứ không phải thấy thơ được đăng trên tạp chí nào.
* Một số bài thơ của Nguyên Như
Nguyên Như tên thật Lê Ngọc Dũng, là người dân tộc Thái, sinh tại huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Anh là hội viên Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tác giả đã xuất bản ba tập thơ và giành bốn giải thưởng của hội văn nghệ địa phương. Anh được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024.
Phương Linh