"Học gì để không bị thay thế, tụt hậu?" là câu hỏi được đặt ra thay vì chỉ đơn thuần chọn ngành theo sở thích hay định hướng sẵn có. Theo ông Tuấn, chuyển tiếp từ trung học phổ thông sang đại học là một bước ngoặt lớn. Đồng thời, trong thời đại công nghệ thay đổi theo cấp số nhân, việc lựa chọn ngành học càng trở nên quan trọng.
"Có những nghề từng ổn định hôm qua nhưng hôm nay đã lỗi thời. Những công cụ mới ra đời có thể làm thay đổi cả một ngành. Vì vậy, sinh viên cần được trang bị những năng lực cốt lõi để giữ vững giá trị nghề nghiệp trong mọi bối cảnh", ông Tuấn chia sẻ.
Cụ thể, theo ông, năm năng lực quan trọng bao gồm: Đầu tiên là nắm bắt công nghệ và dữ liệu khi ngay cả trong các lĩnh vực sáng tạo như viết lách hay nghệ thuật, công nghệ, đặc biệt là AI, đã trở thành một phần không thể thiếu. Sinh viên cần hiểu công nghệ, biết đọc và phân tích dữ liệu để không bị tụt lại.
Thứ hai, người trẻ cần hiểu sự vận động của thế giới và nền kinh tế. Trong một nền kinh tế siêu kết nối, các bạn cần tư duy toàn cầu, phân tích xu hướng để không bị lạc nhịp với chính thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn sâu vẫn là điều hiển nhiên cần phải có, dù học ngành gì, kỹ thuật phần mềm, logistics hay truyền thông số. Tuy nhiên, song hành với năng lực này là tư duy bản thân. Ông cho rằng, sinh viên cần có bản lĩnh cá nhân để kiên định, thích ứng, không đánh mất giá trị cốt lõi. Đây là phẩm chất được các doanh nghiệp hàng đầu tìm kiếm.
Năng lực cuối cùng ông nhấn mạnh là kỹ năng mềm, bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm linh hoạt, hiểu biết về đạo đức số và khả năng học tập suốt đời.
"Không chỉ học ngành gì, mà học như thế nào cũng là yếu tố then chốt," ông Tuấn khẳng định. Tại trường Đại học FPT, triết lý giáo dục dựa trên việc phát triển người học toàn diện, chuẩn bị cho tương lai bằng nhiều hình thức.
Theo đó, sinh viên cần học theo hướng chủ động, tự kiến tạo hệ tri thức cá nhân, thay vì thụ động tiếp thu. Nhà trường đóng vai trò hỗ trợ và tạo điều kiện. Việc học liên ngành cũng được chú trọng bởi mỗi lĩnh vực đều có sự giao thoa với các ngành khác như marketing, công nghệ hay kinh doanh. Trường khuyến khích các bạn mở rộng kiến thức và tham gia các dự án khởi nghiệp, trong đó một số kế hoạch nổi bật có thể nhận hỗ trợ tài chính lên tới 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT tích hợp sâu công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, vào quá trình học tập, từ công cụ, chương trình đào tạo, nhằm giúp sinh viên làm chủ thay vì chỉ chạy theo xu hướng. Song song, đơn vị đề cao trải nghiệm qua các dự án thực tế tại doanh nghiệp, có quy định chỉ số mục tiêu, hạn chót chặt chẽ và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng như hỗ trợ chuyển đổi số tại địa phương hay các mô hình kinh tế nông nghiệp, từ đó, giúp việc học gắn với xã hội và mang lại giá trị thiết thực.
"Mục tiêu của giáo dục đại học không chỉ là đào tạo người làm tốt việc hôm nay, mà là người có thể làm tốt bất kỳ công việc nào trong tương lai, dù công nghệ và thế giới thay đổi ra sao", ông Tuấn nói.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học FPT cũng chia sẻ thêm, trong thời đại AI có thể viết thơ, thiết kế logo hay xử lý đơn hàng..., năng lực tư duy, khả năng thích ứng và khát vọng vượt lên là giá trị khác biệt của con người. Đây cũng là định hướng giáo dục trường theo đuổi và kỳ vọng sinh viên sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn ngành học và phương pháp học tập cho mình.
Nhật Lệ