30 ngày huấn luyện của quân nhân tham gia duyệt binh ở Nga

Để đi nghiêm 250 m trên quảng trường Đỏ, các quân nhân Việt Nam phải đeo tạ gang nặng 2 kg, cổ chân quấn đầy băng trong đôi ghệt nghi lễ những ngày tập luyện.


Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên quảng trường Đỏ cùng giai điệu Kachiusa lời Việt vang trên đường phố Nga, trung tá Nguyễn Văn Đức, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 cố kìm nén xúc động. Đó là đêm 29/4 (rạng sáng 30/4 giờ Việt Nam), lần đầu tiên đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hợp luyện cùng quân đội các nước chuẩn bị cho lễ duyệt binh 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong chiến tranh Vệ quốc.


Nhận nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao hôm 22/3, một ngày sau đó, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyển chọn 100 quân nhân chuẩn bị tham gia luyện tập. Đoàn chỉ có vỏn vẹn một tháng từ lúc nhận chỉ thị tới khi cơ động sang Nga.


Theo yêu cầu từ phía chủ nhà, đội hình chính thức tham gia duyệt binh của Việt Nam có 68 quân nhân đi theo đội ngũ 8 hàng dọc và 8 hàng ngang, một khối trưởng và tổ Quân kỳ 3 người. Thành viên được chọn phần lớn đang học năm nhất đến năm ba cùng một số cán bộ nhà trường. Người trẻ nhất chưa tới 19, lớn nhất dưới 30, cao 1,8-1,85 m, dáng cân đối, ưa nhìn.


Thầy Đức ví một tháng luyện tập trong nước như cuộc "chạy nước rút", bởi vỏn vẹn 30 ngày, trong khi những đợt tập luyện diễu binh trung bình 3-4 tháng. Cường độ luyện tập vì thế rất khắc nghiệt, cộng hưởng những khác biệt về tốc độ bước chân, kỹ thuật hành tiến, quân tư trang, đường duyệt binh trở thành thách thức, đòi hỏi kỷ luật lẫn quyết tâm của cả đoàn.


Những ngày đầu huấn luyện cơ bản, tổ giáo viên nghiên cứu kỹ các video duyệt binh của Nga để tìm cách điều chỉnh tốc độ bước. Bởi duyệt binh ở Nga yêu cầu 120 bước mỗi phút, trong khi điều lệnh đội ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam quy định đi nghiêm với tốc độ 106 bước. Tần suất bước chân tăng lên đồng nghĩa bước dài hơn, tốc độ nhanh hơn.


Được Đoàn nghi lễ Quân đội hỗ trợ kiếm, ghệt nghi lễ, các giáo viên tự thực nghiệm động tác, đề xuất với cấp trên điều chỉnh một số nội dung và được đồng ý. Độ cao bàn chân khi đi nghiêm so với mặt đất giảm từ 30 cm theo tiêu chuẩn Việt Nam xuống còn 20 cm, độ dài bước chân khi đi đều và đi nghiêm nâng từ 75 lên 80 cm.


Thời gian gấp rút, cường độ luyện tập tăng lên ba ca, tổng cộng 9 tiếng mỗi ngày, sáng 7h đến 11h, chiều 14h đến 17h và tối thêm hai tiếng từ 19h đến 21h. Để nâng sức mạnh cho cơ đùi, cơ bụng, chiến sĩ tập bổ trợ bằng các bài chạy dài, bật cóc, luyện cơ bụng.


Bộ đội mất khoảng một tuần đầu tiên bắt nhịp với những điều chỉnh của giáo viên. Hàng ngũ tập bước chân trên vạch kẻ ngang, tập ke chân cho đều bằng thiết bị căng dây. Cổ chân đeo thêm tạ gang nặng 2 kg nâng sức bền để làm quen với ghệt nghi lễ.


Chuyển qua tập chuyên sâu, những đôi ghệt da màu đen ôm đến đầu gối, được ghép bằng những miếng da có mối nối cứng khiến chân bộ đội phồng rộp, trầy xước ở những điểm tiếp xúc. Toàn đội phải quấn băng quanh cổ chân, ở những vị trí tiếp xúc với ghệt tránh ma sát, lót bọt biển dưới gan bàn chân để giảm đau. Cuối ngày, bộ đội ngâm chân bằng nước muối, ngải cứu và tập các bài bổ trợ lưu thông máu, tránh chấn thương. Sau 10 ngày, những vết trầy xước biến thành chai sạn, tất cả được khắc phục.


"Có lúc đau đớn nhưng anh em không ai kêu than vì đều xác định rõ trọng trách", anh kể.


Sau một tháng, đội hình loại dần cho đến khi chốt danh sách chính thức 68 quân nhân, thêm 5 thành viên dự bị. Ngày 23/4, đoàn quân nhân lên đường sang Nga. Trong nước, đồng đội của họ đã tề tựu về TP HCM chuẩn bị cho lễ diễu binh diễu hành mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Đoàn Việt Nam ở cách quảng trường Đỏ khoảng 70 km, cách thao trường Alabino, nơi hợp luyện khoảng 130 km. Mỗi lần di chuyển khoảng 2-3 tiếng. Vừa ổn định đội hình, tổ giáo viên lập tức đi khảo sát những trục đường có mặt gồ ghề tương tự mặt sân quảng trường Đỏ để bộ đội luyện tập cho sát thực tế.


Nước Nga bước vào đầu xuân, nhiệt độ có ngày vẫn dưới 0 độ C, tuyết phủ trắng đường. Cường độ luyện tập giảm xuống nhưng độ khó tăng lên khi đi trên mặt đường trơn trượt. Từng động tác tiếp tục được tinh chỉnh sau mỗi buổi tập, hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt trước ngày lễ chính thức 9/5.


Trước ngày duyệt binh, thầy Đức khó ngủ vì hồi hộp, chỉ chợp mắt được một lúc. 2h45, toàn đội đã dậy, quân tư trang chỉnh tề, ăn sáng rồi di chuyển tới vị trí tập kết tại quảng trường Đỏ. Trước khi cơ động vào đường duyệt, toàn khối tận dụng không gian để khởi động và kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị.


Nỗi lo của thầy giáo lục quân mau chóng nhường chỗ cho niềm tự hào khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay, những bước chân hành tiến đều tăm tắp trên quảng trường. "Những gương mặt trẻ măng, khí thế hôm ấy khiến các thầy rất tự hào", anh kể, nói rằng đó là những giây phút xúc động nhất trong 20 năm quân ngũ, hơn 10 năm kinh nghiệm đào tạo điều lệnh, đội ngũ cho học viên.


Kết thúc hành tiến từ quảng trường ra vị trí tập kết gần một cây số, các quân nhân Việt Nam treo súng đi đều, hát vang Kachiusa, Như có Bác trong ngày đại thắng, hô khẩu hiệu Việt Nam! Hồ Chí Minh! Đoàn nhận được sự chú ý của nước bạn cũng như phóng viên quốc tế khu vực đó.


"Đoàn Việt Nam được phía Nga đánh giá là một trong những đoàn đi đều, đẹp nhất trong các khối tham gia duyệt binh", thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trưởng đoàn chia sẻ. Điều đó cho thấy kỹ năng điều lệnh, đội ngũ của quân nhân Việt Nam không thua kém bất kỳ đoàn nào tham gia duyệt binh tại Nga, dù lần đầu góp mặt và luyện tập gấp rút.


Theo sát đội ngũ từ ngày đầu đến dẫn đoàn đi Nga dự duyệt binh, thiếu tướng Thanh nói để những bước chân "đều, đẹp và hiên ngang nhất" đại diện cho quân đội, đất nước Việt Nam là nỗ lực, ý chí, kỷ luật của mỗi cá nhân làm nên sức mạnh tập thể.


"Tôi rất hãnh diện về những người lính của mình", ông nói, song nhấn mạnh "cảm xúc tự hào được lưu giữ nhưng không thể sống mãi trong giây phút ấy". Ngay khi duyệt binh xong, đoàn đã họp rút kinh nghiệm, động viên bộ đội.


Lần đầu đi Nga dự sự kiện lớn cũng cho nhà trường thêm nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho những nhiệm vụ tương tự, nhất là hậu cần cho bộ đội khi đi nước ngoài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.


Trưởng đoàn cho hay 17 ngày ở Nga, chủ nhà hỗ trợ toàn bộ khâu ăn uống song các món đều theo thực đơn truyền thống, có súp, bánh mì đen. Bộ đội ăn hai ngày đầu, tới hôm thứ ba chủ yếu uống sữa và ăn hoa quả do chưa hợp khẩu vị.


Cũng lường trước khó khăn, đoàn đã mang theo 500 kg gạo, 100 kg thịt hộp, 50 kg ruốc tự làm, lạc, muối vừng, bí xanh, khoai tây và các loại gia vị, mắm muối đi kèm để nấu ăn. Bộ đội vì thế vẫn được ăn ngày hai bữa cơm quê nhà.


Những hôm đi hợp luyện trên quảng trường Đỏ thâu đêm đến rạng sáng, bộ đội xách theo chiếc ăng gô ba tầng đựng cơm, rau, thức ăn bọc trong túi giữ nhiệt kèm theo bát, đũa, thìa. Mỗi tiểu đội có một chiếc túi to để 8 ăng gô cơm cho một hàng. Trên đường di chuyển về chỗ đóng quân xe chạy 2-3 tiếng, bộ đội tranh thủ giở cơm nóng ra ăn, lấy sức luyện tập.


Thiếu tướng Thanh lý giải đoàn Việt Nam thường xuất phát từ 15h tới địa điểm hợp luyện và kết thúc vào 3h hôm sau, tức 19h tối tới 7h sáng theo múi giờ Việt Nam. "Với từng ấy thời gian, nếu đoàn không tự chuẩn bị mang cơm ăn thêm thì bộ đội không đủ sức luyện tập", ông nói, "trộm vía" không thành viên nào bị ốm, đủ sức khỏe để làm nhiệm vụ.


Điều bất ngờ nhất với cả đoàn, theo thiếu tướng Thanh là tình cảm của người Việt tại Nga dành cho bộ đội. Trước khi đi, ông nghĩ bà con có thể tới nhưng không tưởng tượng được đông và tình cảm như thế. Kiều bào đi theo hội đoàn, mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm cờ Tổ quốc vẫy chào. Từ những tiểu thương bỏ bán hàng đến học sinh, sinh viên, trẻ em theo bố mẹ gần trăm cây số đi cổ vũ đoàn.


"Bà con nói tự hào khi thấy bộ đội Việt Nam hành tiến trên đường phố Nga, tham gia duyệt binh cùng các nước. Anh em thì xúc động khi đi đâu cũng luôn có nhân dân ở bên ủng hộ", ông kể.


Lo đồ ăn không hợp khẩu vị bộ đội, nhiều hội người Việt Nam ở Nga đã trực tiếp liên lạc với thiếu tướng Thanh, đề nghị hỗ trợ phần ăn cho cả đoàn. Song ông từ chối, chỉ xin nhận tấm lòng và "mong bà con hết sức thông cảm" bởi quy định không được mang thực phẩm bên ngoài vào nơi đóng quân, đoàn cũng đã tự túc được đồ ăn.


Ngày rời nước Nga, các thành viên đều nhận được quà lưu niệm là búp bê gỗ, chocolate, kẹo. Những hộp quà được đóng gói, ghi tên cẩn thận, được kiều bào dùng xe gia đình chở đến tận nơi. Bà con đưa tiễn bộ đội tận sân bay, hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh. Hành trang ngày về còn có hơn trăm cân kẹo làm quà, chia cho cán bộ, học viên toàn trường.


Về nước một tuần, cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 1 lại chuẩn bị tập trung huấn luyện cho lễ diễu binh mừng 80 năm Quốc khánh 2/9.


Hoàng Phương - Phạm Chiểu









30 ngay huan luyen cua quan nhan tham gia duyet binh o Nga


De di nghiem 250 m tren quang truong Do, cac quan nhan Viet Nam phai deo ta gang nang 2 kg, co chan quan day bang trong doi ghet nghi le nhung ngay tap luyen.

30 ngày huấn luyện của quân nhân tham gia duyệt binh ở Nga

Để đi nghiêm 250 m trên quảng trường Đỏ, các quân nhân Việt Nam phải đeo tạ gang nặng 2 kg, cổ chân quấn đầy băng trong đôi ghệt nghi lễ những ngày tập luyện.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá