Vụ án Thuận An: Hơn 134 tỷ thu giữ, phong tỏa, xử lý tiền chênh lệch thế nào?

Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là phải thu hồi được tài sản thất thoát.


Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện: Thu giữ các tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi sai phạm của Nguyễn Duy Hưng và các bị can đối tượng liên quan. Thu giữ: 10.108.405.479 đồng và 30.000 USD, các bị can đối tượng liên quan tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả: 102.076.450.000 đồng và 90.000 USD.


Một số bị can trong vụ án. Ảnh: CACC

Ngoài ra, các cá nhân liên quan khác tự nguyện nộp khắc số tiền 14.170.000.000 và 10.000 USD. Phong tỏa 7 tài khoản/sổ tiết kiệm trị giá 32.460.225.846 đồng của Nguyễn Duy Hưng, để khắc phục hậu quả.


Như vậy, trong vụ án Thuận An tổng thiệt hại theo kết quả điều tra là 120 tỷ đồng nhưng tổng thu hồi, phong tỏa đã vượt mức (134 tỷ, chênh 14 tỷ)... Vậy số tiền chênh này thì sẽ xử lý thế nào?


Nói về vấn đề nêu trên, luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự TAT Law Firm cho biết: Đi đôi với việc xử lý nghiêm trách nhiệm của những cá nhân làm thất thoát tài sản trong các vụ án gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho tài sản của nhà nước, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là phải thu hồi được tài sản thất thoát.


Để thu hồi được các tài sản cho nhà nước, cơ quan điều tra sẽ phải khẩn trương, nhánh chóng áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can ngay khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tài sản mà các bị cáo bị kê biên phong tỏa thường là các tài sản như: tiền trong tài khoản ngân hàng, quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất…


Việc khẩn trương, nhanh chóng kê biên phong tỏa tài sản của bị can, bị cáo sẽ tránh việc tài sản bị tẩu tán, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Ngoài ra, trong bất cứ giai đoạn nào của vụ án (điều tra, truy tố, xét xử) các bị can, bị cáo hoặc người nhà cũng đều có thể tự nguyện nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả do mình gây ra.


Việc thu hồi tài sản cũng tuân theo nguyên tắc về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực dân sự đó là gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường, khắc phục bấy nhiêu. Do vậy, trong trường hợp nếu tài sản kê biên, phong tỏa có giá trị lớn hơn phần thiệt hại mà bị cáo gây ra thì bị cáo sẽ được hoàn trả lại phần giá trị tài sản chênh lệch.


Tuy nhiên, trong trường hợp nếu tại phiên tòa, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp có ý kiến đề nghị được tự nguyện nộp số tiền chênh giữa giá trị tài sản kê biên và phần gây thiệt hại vào ngân sách nhà nước nhằm thể hiện sự quyết tâm khắc phục hậu quả thì sự tự nguyện đó cũng được Hội đồng xét xử ghi nhận, đồng thời xem tình tiết này là tình tiết đặc biệt để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Lúc này, phần giá trị tài sản kê biên chênh lệch sẽ được cơ quan thi hành án xử lý, nộp vào ngân sách nhà nước ở giai đoạn thi hành án.


Mối quan hệ đặc biệt giữa chủ tịch Tập đoàn Thuận An và ông Phạm Thái Hà Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An có mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Phạm Thái Hà, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Tập đoàn Thuận An chi tiền 'cơ chế', thu lợi gần 100 tỷ đồng Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị CQĐT xác định đã chi tiền 'cơ chế', thu lợi gần 100 tỷ đồng tại 5 dự án, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 120 tỷ đồng.