Sau sự cố mất điện, Châu Âu có cần ‘siêu lưới điện’ xuyên quốc gia?

Sự cố mất điện gần đây tại bán đảo Iberia là hồi chuông cảnh báo về giải pháp một "siêu lưới điện" cho châu Âu.


Theo Euronews, bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu đầy biến động, từ xung đột Nga - Ukraine đến những hệ lụy của biến đổi khí hậu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đang đặt ra những thách thức không nhỏ về an ninh năng lượng của châu Âu.


Trong nỗ lực tăng cường tự chủ, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch bổ sung thêm 89 GW (gigawatt) công suất năng lượng tái tạo trong năm 2025, tăng 10 GW so với năm trước, với trọng tâm là các dự án điện mặt trời mới.


Mục tiêu đầy tham vọng này nhằm hiện thực hóa cam kết cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mốc năm 1990.


Ước tính cho thấy, EU cần khoảng 584 tỷ euro đầu tư vào hệ thống lưới điện từ nay đến cuối thập kỷ để theo kịp tiến trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, sự cố mất điện gần đây tại bán đảo Iberia là hồi chuông cảnh báo về giải pháp một "siêu lưới điện" cho châu Âu.


Theo các chuyên gia, một mạng lưới điện cao thế liên quốc gia, hay còn gọi là "siêu lưới điện", sẽ tạo điều kiện cho dòng chảy năng lượng tái tạo - từ gió ở phương Bắc, mặt trời ở phương Nam đến thủy điện rải rác khắp châu lục - di chuyển một cách hiệu quả giữa các khu vực.


Siêu lưới điện tại châu Âu. Ảnh: Recharge

Giải pháp này được kỳ vọng sẽ cân bằng cung cầu, giảm chi phí, nâng cao tính bền vững và đẩy nhanh quá trình từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.


Michael Ashley Schulman, Giám đốc đầu tư tại Running Point Capital Advisors, nhận định: "Một siêu lưới điện sẽ cho phép năng lượng xanh chảy xuyên biên giới, cân bằng cung cầu, ổn định giá điện, gia tăng khả năng chống chịu và hỗ trợ châu Âu nhanh chóng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch".


Tuy nhiên, ông Schulman cũng cảnh báo rủi ro tiềm ẩn. "Một siêu lưới sẽ tăng độ bền vững nếu được xây đúng cách. Nhưng nếu không đảm bảo an toàn, phối hợp và dự phòng, nó cũng có thể trở thành 'bom nổ chậm'", ông nói.


Do đó, việc xây dựng một siêu lưới điện trên toàn châu Âu vẫn gây nhiều tranh cãi. Ông Hubert de la Grandière, Giám đốc điều hành Viện SuperGrid, cho rằng một giải pháp thực tế hơn có thể là xây dựng nhiều "siêu lưới nhỏ" tại các quốc gia như Pháp, Đức, Anh và Ý thông qua mạng lưới điện một chiều cao áp (HVDC) đa điểm kết nối.


Các dự án siêu lưới điện ngoài khơi sẽ là bước đi tiên phong, giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 và tối ưu hóa chi phí lắp đặt các trang trại điện gió trên biển.


Theo bà Therese Guttmann, chuyên gia kinh tế sinh thái tại Đại học Kinh tế Vienna, việc triển khai một siêu lưới điện chỉ nên được tiến hành nếu nó đảm bảo các yếu tố công bằng xã hội, toàn vẹn sinh thái và dân chủ năng lượng chứ không chỉ đơn thuần dựa trên hiệu quả kinh tế hay lợi ích của các doanh nghiệp.


"Nếu siêu lưới được xây dựng mà thiếu các tiêu chuẩn xã hội và sinh thái, chúng ta sẽ chỉ thay thế khủng hoảng này bằng một khủng hoảng khác", bà Guttmann cảnh báo.


Bà Guttmann nhấn mạnh vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở hệ thống dây cáp hay các giải pháp kỹ thuật. Đó là câu chuyện về quyền lực, quyền tiếp cận và định hướng phát triển.


Nếu không giải quyết được các câu hỏi về quản trị, phân phối và tính chính danh, những dự án quy mô lớn như vậy khó có thể nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ cộng đồng.


Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mất điện diện rộng, tê liệt toàn quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã trải qua một vụ mất điện đột ngột trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Sân bay cũng phải đóng cửa, còn hành khách mắc kẹt trong tàu điện ngầm.
Vụ mất điện diện rộng ở Tây Ban Nha: Năng lượng tái tạo là 'thủ phạm'? Vẫn chưa rõ nguyên nhân sự cố mất điện toàn quốc ở Tây Ban Nha khiến hàng triệu người chìm trong bóng tối. Nhiều khả năng, có thể do nguồn năng lượng tái tạo chưa tương thích với lưới điện cũ.