Các thị trường lao dốc
Ngày 4/4, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều năm khi chỉ số công nghiệp Dow Jones lao dốc 2.200 điểm, tương đương giảm 5,5%. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm, phản ánh tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trước chính sách thuế đối ứng mới được Tổng thống Donald Trump công bố.
Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500, đại diện cho 500 công ty lớn nhất nước Mỹ, cũng không nằm ngoài vòng xoáy, giảm 6% trong phiên giao dịch ngày 4/4 (đóng cửa rạng sáng 5/4 giờ Việt Nam), qua đó mất 10% giá trị trong hai ngày liên tiếp sau thông báo thuế quan.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng chịu tổn thất nặng nề, với mức giảm hơn 5,8% trong phiên cuối tuần, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.
Như vậy, chỉ số S&P 500 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, bốc hơi 5.400 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong hai phiên, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết thuế quan của chính quyền Trump "có thể có tác động dai dẳng đến lạm phát".
Chỉ số công nghệ Nasdaq 100 giảm 20% kể từ đỉnh hồi tháng 2, tương đương với cú giảm do đại dịch năm 2020 và sự sụp đổ của bong bóng dot-com năm 2000. Nvidia Corp. và Apple Inc. giảm ít nhất 7%, trong khi Tesla Inc. mất 10%.
Nguyên nhân chính của cú sụt giảm này bắt nguồn từ quyết định áp thuế đối ứng của ông Trump, nhắm vào tất cả quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ. Chính sách này, được ông gọi là “tuyên bố độc lập kinh tế”, áp mức thuế cơ bản 10% lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ ngày 5/4, đồng thời áp mức thuế cao hơn, lên tới 50%, với các đối tác thương mại lớn từ ngày 9/4.
Ông Trump công bố thuế cao áp lên hàng hóa nhiều nước. Ảnh: MNB
Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi các quốc gia như Trung Quốc, Canada và Mexico ngay lập tức tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự. Trung Quốc áp thuế bổ sung 34% với toàn bộ hàng hoá của Mỹ từ ngày 10/4. Bắc Kinh cũng siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm trung bình và nặng, có hiệu lực từ 4/4.
Không chỉ chứng khoán bị ảnh hưởng, các thị trường hàng hóa và tiền tệ cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Giá vàng, vốn thường được xem là tài sản trú ẩn an toàn, bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên 4/4, giảm từ mức đỉnh 3.140 USD/ounce trong phiên xuống còn 3.038 USD/ounce vào cuối ngày, tương đương mất hơn 3,2% giá trị.
Đồng USD giảm mạnh, xóa sạch toàn bộ mức tăng mạnh sau khi ông Trump đắc cử vào giữa tháng 11/2024. Chỉ số DXY trong phiên 4/4 có lúc về 101,6 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024, phản ánh sự mất niềm tin vào sức mạnh kinh tế Mỹ trong ngắn hạn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô chịu áp lực nặng nề. Giá dầu Brent giảm 6,5% xuống 65,6 USD/thùng trong phiên 4/4. Giá dầu WTI giảm 5% xuống 62 USD. Sự sụt giảm này không chỉ đến từ lo ngại về suy giảm nhu cầu do chiến tranh thương mại, mà còn bị thúc đẩy bởi quyết định bất ngờ của OPEC+ về việc tăng sản lượng khai thác dầu.
Rủi ro kinh tế dài hạn
Trong khi đó, dòng tiền chảy mạnh vào trái phiếu kho bạc Mỹ, đẩy giá trái phiếu tăng và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4%, mức thấp nhất trong nhiều tháng. Dấu hiệu này rõ ràng cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn giữa cơn bão bất ổn, đồng thời kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu tổn thương.
Cú sụt giảm mạnh mẽ trên thị trường tài chính Mỹ không chỉ là phản ứng tức thời trước chính sách thuế của ông Trump, mà còn là lời cảnh báo về những rủi ro kinh tế dài hạn.
JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã nâng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2025 lên 60%, tăng đáng kể so với mức 40% trước đó. Các chuyên gia tại Goldman Sachs cũng nâng khả năng suy thoái từ 20% lên 35%, với nhận định rằng chính sách thuế đối ứng có thể làm tăng chi phí sản xuất, làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều công ty đa quốc gia như Nike, Apple và Tesla - vốn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng quốc tế - chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh. Điều này cho thấy nhà đầu tư lo ngại rằng thuế quan không chỉ làm tăng giá hàng hóa mà còn làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, từ đó kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Về khả năng đàm phán giữa Mỹ và các quốc gia khác, triển vọng hiện tại chưa rõ ràng. Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế trả đũa lên toàn bộ hàng hóa Mỹ, trong khi Canada và Mexico, dù được gia hạn một tháng miễn thuế theo thỏa thuận USMCA, cũng cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ không nhượng bộ.
Ông Trump, trong một bài đăng trên Truth Social vào ngày 4/4, khẳng định: “Chính sách của tôi sẽ không thay đổi,” đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào Mỹ. Tuy nhiên, sự cứng rắn này có thể khiến các cuộc đàm phán thương mại trở nên khó khăn hơn.
Nhìn xa hơn, triển vọng kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng đen. Các thị trường lớn như châu Âu và châu Á cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, nhu cầu tiêu thụ dầu và hàng hóa toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm, kéo theo sự suy giảm của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện giới đầu tư kỳ vọng vào các cuộc đàm phán giữa các đối tác với Mỹ trong những ngày tới. Bên cạnh đó, kỳ vọng Fed nhanh chóng can thiệp bằng cách cắt giảm lãi suất.