Sau khi làm việc với thi hành án, tòa tiếp tục phiên xử bà Trương Mỹ Lan

TAND Cấp cao mở lại phiên phúc thẩm bà Trương Mỹ Lan sau những ngày làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP HCM để làm rõ số tiền quá lớn trong vụ án.


Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng 14/4, sau 5 ngày TAND Cấp cao làm việc với cơ quan thi hành án. Theo HĐXX, do số tiền liên quan đến vụ án quá lớn, ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo nên cần phải làm rõ.


Trước đó, trong phần tranh luận bổ sung với VKS, bà Lan một lần nữa đề nghị HĐXX tuyên rõ trong bản án về tài sản SCB phải trả lại cho bà. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng mong muốn tòa yêu cầu ngân hàng xác định rõ 403.000 tỷ đồng bà cho mượn tái cơ cấu và số tiền 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ.


Quá trình xét xử phúc thẩm bà Lan không kêu oan, song đề nghị tòa xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo bà, bản án sơ thẩm chưa làm rõ bản chất hành vi và nhận thức chủ quan của bà, cũng như đảm bảo tính xác thực của các số liệu quy buộc bà chiếm đoạt, dẫn đến việc quy buộc bà về 3 tội danh.


Bà Trương Mỹ Lan đề nghị tòa buộc SCB liên đới bồi thường cho trái chủ


Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng mình không phải là người đưa ra chủ trương phát hành 25 gói trái phiếu chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của các trái chủ. Theo bà, Nguyễn Phương Hồng (cựu phó tổng giám đốc SCB, đã chết) là người đưa ra chủ trương và nhờ bà cho mượn các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu và bà đã đồng ý. Việc bà cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu là muốn giúp SCB, không nhằm chiếm đoạt tiền. Bản thân bà và Vạn Thịnh Phát không sử dụng số tiền này.


Bà nhận trách nhiệm về số tiền bồi thường cho trái chủ, song đề nghị HĐXX xem xét việc thu hồi số tiền là tang vật các đơn vị khác thụ hưởng, cũng như buộc SCB phải có trách nhiệm liên đới trong việc khắc phục hậu quả, bởi số tiền phát hành này SCB sử dụng.


Về tội Rửa tiền, theo bà Lan số tiền quy buộc bà phạm tội này cũng là số tiền bị cáo buộc tham ô và chiếm đoạt ở cả hai giai đoạn nên cần phải được cấn trừ đi giá trị tài sản của bị cáo đang bị kê biên. Các khoản tiền rút từ SCB ra là nhằm mục đích đảo nợ, tiền không ra khỏi ngân hàng.


Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng đề nghị HĐXX xem xét bỏ tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đối với mình. Theo bà, trong quá trình tái cơ cấu SCB cần một khoản tiền lớn nên đã phải tìm nhiều nguồn xoay sở, trong đó có đi vay nước ngoài. Bị cáo không ý thức được việc chuyển tiền từ nước ngoài về và chuyển ra nước ngoài để trả nợ là vi phạm pháp luật cho đến khi bị bắt. Việc bản thân bị buộc thêm tội danh này khiến quá trình khắc phục hậu quả vụ án càng thêm khó khăn, bởi bạn bè và người thân của bị cáo ở nước ngoài không ai dám chuyển tiền cho mượn.


VKS đề nghị giảm án chung thân cho bà Trương Mỹ Lan


Nêu quan điểm về kháng cáo của bà Lan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đánh giá, việc xét xử bị cáo cùng đồng phạm về các tội danh nêu trong bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội, không oan sai.


Theo VKS, nếu bà Lan không cho mượn các công ty của Vạn Thịnh Phát thì sẽ không thể phát hành được các gói trái phiếu. Bà cùng đồng phạm đã có thủ đoạn gian dối, đưa thông tin sai sự thật về việc mua trái phiếu khiến các trái chủ tin tưởng rồi mất khả năng làm chủ dòng tiền. Do đó, hành vi của bị cáo Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Lời khai của bị cáo Nguyễn Phương Hồng (trước lúc chết) và tài liệu trong hồ sơ xác định một phần số tiền phát hành trái phiếu sử dụng cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


Tuy nhiên, trong quá trình xét xử ở cả 2 giai đoạn vụ án, các cơ quan tố tụng đã thu hồi được khoảng 8.000 tỷ đồng (giai đoạn một 7.000 tỷ, giai đoạn hai 1.000 tỷ) và dự kiến sẽ thu hồi thêm được 15.000 tỷ nữa. VKS ghi nhận việc bà Lan đã khắc phục được 1/4 số tiền thiệt hại của giai đoạn 2 và đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo ở tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Ở hai tội danh còn lại, VKS cho rằng kháng cáo của bà Lan không có căn cứ, đề nghị tòa bác. Một số yêu cầu khác của bà Lan về số tiền cho SCB mượn tái cơ cấu, tiền tăng vốn điều lệ, thu hồi số tiền tang vật tại các tổ chức tín dụng khác... VKS cho là không có căn cứ, hoặc đã được giải quyết trong bản án có hiêu lực ở giai đoạn một nên không xem xét.


Tuy nhiên, bà Lan mong muốn được HĐXX xem xét lại để "giảm án sâu" cho mình để khích lệ tinh thần và có động lực cũng như tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho bà trong việc khắc phục hậu quả vụ án.


Nhiều bị cáo xin xem xét lại vai trò và giảm nhẹ hình phạt


Trong số 25 bị cáo khác kháng cáo (2 người rút kháng cáo) có Võ Tấn Hoàng Văn; Trần Thị Mỹ Dung... cho rằng bản án sơ thẩm đánh giá chưa đúng vai trò của mình, đề nghị HĐXX phúc thẩm đánh giá lại tính chất, mức độ của hành vi để phân hóa vai trò và giảm nhẹ hình phạt cho mình.


Ông Văn và luật sư cho rằng cấp sơ thẩm xác định bị cáo giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 28.500 tỷ đồng là không chính xác. Luật sư khẳng định ông Văn không tham gia vào việc phân phối gói trái phiếu Setra vì lúc đó đã nghỉ làm tại ngân hàng. Việc buộc bị cáo có trách nhiệm về số tiền 2.000 tỷ đồng của gói trái phiếu này là không khách quan.


Tuy nhiên, VKS cho rằng kháng cáo của bị cáo Văn không có căn cứ, quá trình xét xử phúc thẩm bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới. VKS cũng bác kháng cáo của hai người khác là Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) và Bùi Anh Dũng (tài xế của bà Lan) vì không có căn cứ chấp nhận.


Luật sư bào chữa cho Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) thì cho rằng thời điểm có hành vi sai phạm Dung với vai trò Phó tổng giám đốc khối, nhưng bị nhầm lẫn là Phó tổng giám đốc SCB. Từ đó, bà Dung bị gắn vào phần trách nhiệm với số tiền 2.000 tỷ đồng trong tổng số 30.000 tỷ, và bị xác định mức độ vi phạm cao dẫn đến mức hình phạt nặng. Luật sư đề nghị tòa xem xét, giảm án sâu hơn cho bị cáo.


VKS đề nghị tòa giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Dung và những người còn lại.


Riêng ông Chu Lập Cơ không kháng cáo vẫn được đề nghị xem xét giảm án vì sau phiên sơ thẩm vẫn tiếp tục dùng tài sản riêng khắc phục hậu quả vụ án.


Trong phạm vi giai đoạn 2 vụ án, bà Lan bị tuyên phạt án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ); Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng).


Còn tại giai đoạn một vụ án, hôm 3/12/2024, bà Lan bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên án tử hình về tội Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bản án này đã có hiệu lực pháp luật, song khi tuyên án HĐXX cho rằng "nếu bị cáo (bà Lan) tích cực khắc phục 3/4 hậu quả sẽ được xem xét chuyển sang chung thân".


Hôm 9/4, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản "khủng" bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, được sử dụng con dấu của Thủ tướng. Phó ban là Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. 20 thành viên còn lại là lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương và địa phương như Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh.


Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban có trách nhiệm giúp Thủ tướng giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, đề xuất phương hướng, giải pháp về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


Hải Duyên









Sau khi lam viec voi thi hanh an, toa tiep tuc phien xu ba Truong My Lan


TAND Cap cao mo lai phien phuc tham ba Truong My Lan sau nhung ngay lam viec voi Cuc Thi hanh an dan su TP HCM de lam ro so tien qua lon trong vu an.

Sau khi làm việc với thi hành án, tòa tiếp tục phiên xử bà Trương Mỹ Lan

TAND Cấp cao mở lại phiên phúc thẩm bà Trương Mỹ Lan sau những ngày làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP HCM để làm rõ số tiền quá lớn trong vụ án.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá