PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, giải thích ung thư vú là bệnh lý ác tính xuất phát từ tế bào tuyến vú. Globocan 2022 ghi nhận đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam, đứng đầu về tỷ lệ mới mắc và thứ tư về tỷ lệ tử vong.
"Điều này cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức và tầm soát sớm", TS Phương nói.
Có nhiều yếu tố nguy cơ ung thư vú, bao gồm:
- Di truyền: Tiền sử gia đình có bà, mẹ, cô dì, chị em, con gái mắc bệnh hoặc đã được xác định mang các đột biến gene di truyền liên quan ung thư vú như gene BRCA1, BRCA2...
- Tuổi tác: Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn.
- Tiền sử bệnh: Từng xạ trị vùng ngực, mắc ung thư vú một bên, ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung, đại tràng.
- Yếu tố sinh sản: Kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), mang thai muộn (trên 30 tuổi), không sinh con hoặc không cho con bú.
- Lối sống: Béo phì, hút thuốc lá...
Các triệu chứng điển hình của ung thư vú gồm xuất hiện khối u ở vú, có thể cứng, không đau; da vú sần vỏ cam, co kéo, loét hoặc thay đổi màu sắc; núm vú tụt vào trong, tiết dịch bất thường (đặc biệt dịch lẫn máu); hạch nách sưng to và đau vú (ít gặp nhưng cần lưu ý).
Phụ nữ từ 40 tuổi, đặc biệt người có yếu tố nguy cơ (béo phì, tiền sử gia đình, không sinh con), nên tầm soát định kỳ hàng năm. Khi có người thân mắc ung thư, thành viên gia đình nên tầm soát sớm do yếu tố di truyền.
Các phương pháp hiện đại giúp tầm soát ung thư vú như chụp X-quang tuyến vú kỹ thuật số, siêu âm, tầm soát qua xét nghiệm gene BRCA1/BRCA2. Qua đó, bác sĩ tư vấn và chọn phác đồ điều trị tối ưu cho người có nguy cơ.
Về điều trị, ngoài những phương pháp điều trị kinh điển như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, ngày nay có nhiều phương pháp tiên tiến trên thế giới. Ví dụ, phương pháp đánh giá các dấu ấn sinh học phân tử kết hợp giải trình tự gene điều trị đích nếu ung thư vú do đột biến gene BRCA1/BRCA2 và các gene liên quan, giúp tiên lượng và lựa chọn thuốc phù hợp cho người bệnh, cá thể hóa điều trị. Bên cạnh đó, các bác sĩ kết hợp đa chuyên khoa điều trị, từ chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, giải phẫu bệnh, ung bướu, di truyền để đưa ra phác đồ tối ưu cho người bệnh.
Ung thư vú phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể hơn 90%, thậm chí 99% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm nhất.
Lê Nga