Ở tuổi 86, nhà văn tự quyết định cách bà qua đời vào ngày 4/12. Trong video cáo biệt người thân và khán giả, bà dùng ba hình ảnh để tổng kết cuộc đời chính mình: Ngọn lửa, hoa hồng đỏ và hoa tuyết. Những hình ảnh này cũng xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết, tản văn lẫn những câu nói đăng trên mạng xã hội của bà. Năm 2017, nhà văn viết: "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".
Hoa hồng đỏ tượng trưng nhiệt huyết của Quỳnh Dao trong sáng tác tiểu thuyết, làm phim. Sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, tên thật là Trần Triết, bà theo cha mẹ tới Đài Loan sinh sống từ năm 1949, sáng tác từ lúc là nữ sinh trung học. Năm 17 tuổi, lấy bút danh Tâm Như, bà phát hành tiểu thuyết đầu tiên - Bóng mây. Quỳnh Dao nổi tiếng từ năm 1963 nhờ tiểu thuyết Song ngoại.
Nhà văn để lại hơn 60 bộ tiểu thuyết, phần lớn trong số đó gây tiếng vang, được dịch ra nhiều ngôn ngữ đồng thời chuyển thể thành phim, như Dòng sông ly biệt, Bên dòng nước, Xóm vắng, Uyển Quân, Kỷ độ tịch dương hồng, Hoàn Châu cách cách, Hải âu phi xứ, Thủy vân gian, Trời xanh đổ lệ, Tân Nguyệt cách cách, Hãy ngủ yên tình yêu. Quỳnh Dao mở công ty điện ảnh, bà trực tiếp biên kịch, làm nhà sản xuất, viết ca khúc cho hàng chục tác phẩm điện ảnh, truyền hình.
Theo hãng thông tấn CNA, truyện và phim Quỳnh Dao làm mưa làm gió làng văn học, phim ảnh Hoa ngữ thập niên 1980, 1990, tạo cơn sốt phim tình yêu lãng mạn. Nghệ sĩ được mệnh danh "bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình" Trung Quốc, sức ảnh hưởng lan ra một số quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á. Khán giả truyền miệng câu: "Nam đọc Kim Dung, nữ đọc Quỳnh Dao".
Trang Toutiao nhận xét nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Quỳnh Dao phản ánh tâm hồn, nghị lực của văn sĩ. Họ mang sức sống mãnh liệt, không chấp nhận "tồn tại" mà chủ động, phản kháng quyết liệt, như nhà văn từng viết trên trang cá nhân: "Hãy sống một cách oanh liệt".
Nhiều người say mê tiểu thuyết Quỳnh Dao, bị cuốn vào những chuyện tình diễm lệ song theo Sina, cũng có một bộ phận khán giả cho rằng tác phẩm của bà quá mơ mộng, thiếu thực tế, thiếu chiều sâu tư tưởng. Nhà văn Viên Quỳnh Quỳnh nói truyện Quỳnh Dao lợi hại ở chỗ rõ ràng bà viết thể loại ngôn tình "xa thực tế", nhưng nếu mở vài trang đọc, phần lớn độc giả sẽ bị cuốn vào câu chuyện và không dứt ra được.
Dù khen hay chê, văn và phim Quỳnh Dao là một phần ký ức của nhiều thế hệ. Độc giả Như Thanh viết: "Thời tôi, mọi người chụm đầu xem Xóm vắng, Bên dòng nước, còn cháu tôi mê mệt Hoàn Châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt".
Theo Chinatimes, nữ sĩ giàu có nhờ viết văn và làm phim. Cuối đời, bà ẩn cư trong căn nhà bảy tầng ở Đài Bắc, có tên Khả Viên. Khu nhà diện tích hơn 660 mét vuông, có hòn non bộ và nhiều cổ thụ, trị giá 2,5 tỷ Đài tệ (77 triệu USD).
Trong video tổng kết cuộc đời, Quỳnh Dao nói bà đi qua vô số con đường gập ghềnh, nếm trải mưa to sóng lớn, tất cả trải nghiệm đó được chắt lọc, đưa vào trang sách. Khán giả thấy chuyện đời nhà văn trong những tác phẩm như Song ngoại, bên dòng nước.
Nữ sĩ trải qua ba cuộc tình, mối tình đầu là thầy giáo dạy văn hơn bà 25 tuổi, từng kết hôn nhưng vợ qua đời. Trong cuốn Câu chuyện của tôi, Quỳnh Dao cho biết bà sùng bái người thầy học vấn uyên bác, dáng dấp nho nhã, thư sinh. Thầy giáo cũng cảm mến cô học trò gầy gò, yếu ớt như Lâm Đại Ngọc. Hai tâm hồn cô độc xích lại gần nhau.
Thời bấy giờ, khoảng cách 25 tuổi và việc thầy trò yêu nhau là chuyện động trời. Vì thế, chuyện tình của Quỳnh Dao bị bố mẹ phản đối kịch liệt. Mẹ bà tới trường trình bày sự việc. Sau đó, thầy giáo văn bị điều xuống làm việc ở nông thôn. Sau đó, bà chấp nhận chia tay mối tình đầu. Thầy giáo của bà sau này cũng không đi bước nữa.
Năm 21 tuổi, Quỳnh Dao quen Khánh Quân - thầy giáo dạy tiếng Anh lớn hơn bà sáu tuổi. Hai người kết hôn sau bảy tháng quen biết, bất chấp sự phản đối của gia đình Quỳnh Dao. Đôi vợ chồng trẻ thi thoảng cãi vã vì thiếu tiền, vì mối tình đầu của nhà văn.
Khi con trai gần một tuổi, Quỳnh Dao phát hành cuốn Song ngoại, với nhiều chi tiết về mối tình đầu. Theo Ifeng, ông Khánh Quân thấy xấu hổ vì chuyện tình của vợ công khai với thiên hạ, viết bài hạ thấp Quỳnh Dao trên báo, khiến nhà văn quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm. Sự bi quan của Quỳnh Dao thể hiện trong các tác phẩm giai đoạn này.
Sau khi ly dị, Quỳnh Dao đăng nhiều tiểu thuyết ngắn trên tạp chí Hoàng Quán, được tổng biên tập Bình Hâm Đào đánh giá cao. Nhờ năng lực và các mối quan hệ, ông Bình Hâm Đào giúp Quỳnh Dao tiến xa hơn trong sự nghiệp, tiểu thuyết của bà cũng giúp Hoàng Quán tăng lượng phát hành. Hai người nảy sinh tình cảm nhưng lúc bấy giờ, ông Bình Hâm Đào đã có vợ con.
Ông Bình Hâm Đào ly hôn, đi bước nữa với Quỳnh Dao năm 1979. Năm 2017, ông mắc bệnh tai biến, nằm bệnh viện, không nhận ra vợ con, sống bằng ống trợ thở. Từ đó, nhà văn và ba con riêng của ông Bình mâu thuẫn. Theo Quỳnh Dao, chồng dặn dò bà khi ông nguy kịch không cần đặt ống thông dạ dày hay máy thở, để ông được ra đi nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các người con kịch liệt phản đối, cho rằng như vậy là bất hiếu. Hai bên chỉ trích lẫn nhau.
Bình Vân, con trai của Bình Hâm Đào, nhắc lại chuyện Quỳnh Dao xen vào gia đình ông. Bình Vân viết trên trang cá nhân: "Nếu một mối tình đánh đổi bằng việc làm tổn thương người khác, bằng sự hy sinh của người phụ nữ khác, thì cho dù thế nào, tình yêu đó không cao đẹp gì, không đáng đem ra khoe khoang, ngợi ca".
Trước lời lẽ đó, Quỳnh Dao viết xã hội bất công với nam và nữ trong hôn nhân. Trước đây, ông Bình Hâm Đào chọn từ bỏ gia đình để theo đuổi bà, nhưng sau đó bà chịu ấm ức hàng chục năm. Theo Quỳnh Dao, nhà họ Bình được giàu sang sung túc có công của bà. Bà viết sách, làm phim, sau đó cùng chồng và con riêng của chồng mở công ty sản xuất phim, tiền được chia đều. "Không có tôi thì không có công ty, nhưng tôi để ông ấy có tất cả hào quang, vì tôi yêu ông ấy".
Sau khi chồng qua đời, bà Quỳnh Dao hiếm xuất hiện công khai. Trong video thực hiện trước khi qua đời, nhà văn nói trong tim luôn có tuyết và lửa. Chuyện cũ đã qua, ân oán theo gió, lòng bà nhẹ nhõm, mãn nguyện vì đã "cháy" hết mình trong cuộc đời.
Nghinh Xuân