Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc ăn uống trở thành nỗi lo lắng rất lớn, thậm chí gây khổ sở khi nhiều người kiêng khem thái quá.


Bà L.T.H (65 tuổi, trú tại Hà Nội) đang điều trị tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ba năm trước, bà H. thường xuyên đi tiểu, mệt mỏi, sụt cân. Khi vào viện, bác sĩ phát hiện đường huyết của nữ bệnh nhân trên 13mmol/l, chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2.


Từ đó, người phụ nữ này áp dụng chế độ ăn kiêng khắt khe, không ăn bất cứ đồ ngọt nào, từ trái cây cho tới bánh kẹo. Trong bữa cơm, người phụ nữ chỉ ăn rau, thịt, bỏ cơm hoàn toàn. Thi thoảng, bà chuyển sang ăn miến, khoai sọ.


Thời gian qua, do đường huyết không ổn định nên bà vào viện theo dõi. Tại đây, bà tham gia câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường. Khi nhân viên y tế cung cấp bữa ăn dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh, bà H. đã bất ngờ vì suất ăn có bát cơm đầy vì nghĩ không bao giờ được ăn.


Tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đái tháo đường có rất nhiều mối lo lắng xung quanh bệnh và vấn đề kiểm soát đường huyết không biết chia sẻ với ai.


Chế độ dinh dưỡng, khẩu phần bữa ăn là một trong những yếu tố tác động đến đường huyết. Tuy nhiên, với người bệnh đái tháo đường, ăn uống vẫn cần cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng giúp cơ thể duy trì sinh hoạt bình thường; kiểm soát được đường huyết; ngăn ngừa làm chậm diễn tiến bệnh và các biến chứng đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.


Cử nhân Đỗ Át K, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp tốt có thể giảm từ 30% đến 80% các biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường không phải kiêng khem và lo lắng quá mức về bệnh.


Quy tắc ăn uống chuẩn là cung cấp đủ năng lượng, duy trì cân nặng, ăn đa dạng thực phẩm và cân đối các thành phần dinh dưỡng: 50-60% chất bột, 20-25% chất đạm, 20-30% chất béo; giữ ổn định lượng chất bột đường trong các bữa ăn và có thể thay thế giữa các loại tương đồng cho nhau. Cơm có thể thay thế bằng bún phở, xôi, bánh mỳ, khoai. Người bệnh cũng cần tăng cường chất xơ: 30-40g chất xơ/ngày. Các loại rau, gạo lứt, các loại hạt là thực phẩm có nhiều chất xơ, nên sử dụng thường xuyên.


Hằng ngày, bệnh nhân chia nhỏ bữa hợp lý, ổn định giờ ăn. Mỗi người có thể ăn 3 bữa chính hoặc thêm từ 1-3 bữa phụ, mục đích tránh tăng đường máu nhiều sau ăn và tránh hạ đường máu khi xa bữa ăn.


Lưu ý lựa chọn thức ăn, đồ uống dựa trên tiêu chí hàm lượng đường, tinh bột, chất xơ và chỉ số đường huyết của thực phẩm.


Tiến sĩ Bảy cho biết theo thống kê của thế giới, 36% số người bệnh đái tháo đường thường xuyên có các cảm giác đau khổ, 63% người bệnh lo lắng vì các biến chứng và 28% không có thái độ tích cực.


Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh đái tháo đường có sự gia tăng. Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2002 cho thấy tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7% dân số; sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 5,4%. Đến năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3% với khoảng 7 triệu người; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%.


Trong đó, các số liệu đáng quan tâm là tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh.


Bệnh đái tháo đường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, mắt, thần kinh, thận, nhiễm trùng, hạ đường huyết, hôn mê…


Khoảng 55% số bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng tim mạch, 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.


Gia tăng số trẻ mắc đái tháo đườngTrong những năm gần đây, mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán, phát hiện từ 65-95 trẻ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1, cao gấp nhiều lần so với trước đó.