Ôtô điện vẽ lại thị trường xe dịch vụ tại Việt Nam

Lợi thế chi phí vận hành thấp giúp xe điện ngày càng được nhiều cá nhân, doanh nghiệp chọn để kinh doanh thay cho xe động cơ đốt trong.


3 năm trước, màu xanh khi nói về taxi là dấu hiệu nhận biết đặc trưng của Mai Linh. Nhưng hai năm trở lại đây, màu xanh biển vàng là hình ảnh quen thuộc của Xanh SM, hãng taxi được thành lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cha đẻ Vingroup. Kể từ những chiếc VinFast và cả Wuling, thói quen của người dùng và tần suất hoạt động của những chiếc xe điện dịch vụ đã tăng lên nhanh chóng.


Dấu hiệu dễ nhận biết nhất về sự xâm chiếm của xe điện vào mảng dịch vụ vận tải là trên những con phố ở Hà Nội, TP HCM, nơi mật độ dân số và nhu cầu di chuyển hàng ngày cao nhất cả nước, hình ảnh xe điện mang biển vàng dần trở dày đặc.


Lợi thế chi phí vận hành thấp


"Mô hình taxi điện là một bước đi mới hoàn toàn mới với chúng tôi", ông Trần Lưu Văn, CEO của Let's Go Taxi, nói. "Chi phí vận hành rẻ, hợp xu hướng hiện tại, taxi điện tối ưu lợi nhuận ở mảng dịch vụ vận tải mà xe xăng, dầu khó bằng được". Hãng taxi này từ tháng 5/2024 đưa vào vận hành 30 chiếc Wuling Mini EV tại Phú Yên, với giá cước 8.000 đồng/km, bằng một nửa so với mức thông dụng trên thị trường.


Theo ông Văn, chi phí sạc mỗi ngày cho những mẫu mini EV LV2 với bộ pin 19,3 kWh, tầm hoạt động 170 km khoảng vài chục đến hơn 100.000 đồng mỗi ngày, rẻ hơn 2-3 lần so với một mẫu xe xăng cỡ nhỏ như Kia Morning, Hyundai i10. Điều này cùng với chi phí đầu tư ban đầu thấp, là cơ sở để những doanh nghiệp như ông đầu tư vào xe điện và áp dụng mức cước cạnh tranh với đối thủ.


Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, trở ngại của xe điện là tầm hoạt động và thời gian sạc bất tiện hơn xe xăng, dầu. Nhưng nếu đặt loại phương tiện này trong một phạm vi vừa phải, đặc biệt là các đô thị, lợi thế chi phí vận hành thấp khiến khách hàng chấp nhận đánh đổi để đạt mục tiêu về lợi nhuận. Thậm chí với nhiều người, chuyển sang dùng xe điện cũng là cách để giảm chi phí, bắt đầu một giai đoạn kinh doanh với mong muốn cải thiện thu nhập.


Phạm Thanh Phong (45 tuổi, Hóc Môn), một chủ xe VinFast VF 5 chạy taxi hàng ngày ở TP HCM nói rằng tiền sạc điện mỗi ngày cao nhất khoảng hơn 100.000 đồng, còn lại đều thấp hơn. "So với đổ xăng tầm 200.000-300.000 đồng/ngày, đi xe điện tiết kiệm hơn nhiều", anh này nói thêm.


Những mẫu xe điện cỡ nhỏ được nhiều khách hàng, doanh nghiệp sử dụng hiện nay như VinFast VF 5 từ 529 triệu đồng. Ở phân khúc CUV cỡ A+, nơi VF 5 hiện diện, các đối thủ như Hyundai Venue giá từ 499 triệu đồng, Toyota Raize từ 510 triệu đồng, thấp hơn mẫu xe VinFast khoảng 30 triệu đồng. Nhưng tính số tiền thực chi để lăn bánh, hai mẫu xe xăng lại nhỉnh hơn VF 5 mức tương đương do xe điện được miễn lệ phí trước bạ. Thực tế, những mẫu xe xăng ở phân khúc này hiếm khi dùng để kinh doanh dịch vụ.


Tại Việt Nam, chính sách miễn toàn bộ lệ phí trước bạ (từ 28/2/2025 đến 28/2/2027 - Nghị định 51/2025) giúp chi phí lăn bánh của xe điện giảm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Điều này được xem là một trong nhiều yếu tố kích thích khách hàng chuyển đổi sang xe điện. Trước đó, Chính phủ đã áp dụng ưu đãi này trong 3 năm và mới gia hạn thêm.


Thay đổi cục diện mảng xe công nghệ


Trước khi kinh doanh dịch vụ bằng xe thuần điện, ông Lưu Văn quản lý một công ty với chức năng tương tự nhưng vận hành bằng xe động cơ đốt trong truyền thống. Giờ đây, khi xu hướng chạy taxi bằng xe điện ngày càng nở rộ, dàn xe xăng, dầu của công ty giảm dần về lượng, chạy cầm chừng, chủ yếu phục vụ khách các chặng di chuyển xa.


Từ 30 chiếc xe điện ban đầu, Let'go Taxi tăng lên 600 xe chỉ trong một năm và còn có kế hoạch mở rộng. Phạm vi hoạt động của công ty từ Phú Yên rồi lấn sang những tỉnh lân cận như Bình Định, Gia Lai. Hay như TOGO, một công ty xe dịch vụ tại TP HCM, từ 3 chiếc khởi đầu kinh doanh, công ty này hiện có 200 xe thuần điện và dự tính tăng lên hàng nghìn xe trong những năm tới.


Nhưng quy mô của hai công ty trên còn khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp khác, ví dụ như Xanh SM. Bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 4/2023, đội 600 xe hoàn toàn bằng điện của Xanh SM khởi đầu ở Hà Nội. Sau hai năm, những chiếc VF của Xanh SM, xuất hiện dày đặc trên các tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam.


Xanh SM không tiết lộ cụ thể số lượng xe điện hiện nay thuộc sở hữu của hãng và khách hàng là bao nhiêu nhưng cho biết khoảng hơn 100.000 xe, bao gồm cả ôtô và xe máy. Với nền tảng Xanh SM, dàn xe điện của VinFast đang khuấy đảo thị trường xe dịch vụ tại Việt Nam.


Theo thống kê của Modor Intelligence, công ty nghiên cứu thị trường trụ sở tại Ấn Độ, thị phần của Xanh SM trong quý IV/2024 tại Việt Nam đạt 36-38%, vượt qua ông lớn số một thị trường nhiều năm qua - Grab (35-37%), dẫn đầu phân khúc. Phần còn lại của thị trường là những nền tảng gọi xe như Be, Mai Linh, Vinasun...


Để vận hành Xanh SM, loại xe phải là thuần điện và của VinFast. Bản thân hãng Việt cũng khuyến khích người dân lựa chọn xe điện VinFast bằng nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là miễn phí sạc từ 24/12/2024 đến hết tháng 6/2027. Nếu khách mua những mẫu sắp ra mắt thuộc dòng Green của VinFast như Nerio, Minio, Herio, Limo và tham gia nền tảng Xanh SM trong 2025, khách hàng nhận khoảng 90% doanh thu, cao hơn so với những ứng dụng khác (thường từ 80% trở lên).


Với Be, công ty công nghệ Việt, xe điện hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số 500.000 tài xế đang hoạt động. Công ty công nghệ Việt này nói rằng số xe điện sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi hãng hợp tác với nhiều hãng xe điện và hybrid nhằm mở rộng nguồn cung, giúp tài xế có thêm lựa chọn để vận hành.


Hồi đầu 2025, Grab, công ty công nghệ Singapore, cho biết có kế hoạch mua 50.000 xe điện của BYD để mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Trong khuôn khổ ra mắt mẫu Sealion 6 tại Hà Nội hồi giữa tháng 4, ông Huỳnh Tấn Mỹ, giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của BYD Việt Nam, cho biết công ty đang có kế hoạch "lớn chưa từng có" nhằm điện hóa mảng xe dịch vụ vận tải.


Chi phí sạc điện rẻ, kèm theo ưu đãi từ hãng cũng thôi thúc nhiều khách hàng cá nhân chuyển hướng từ xe xăng, dầu sang xe điện để kinh doanh dịch vụ. Anh Thanh Phong cho biết, trước khi chạy taxi qua nền tảng Xanh SM bằng VF 5, anh đã có ba năm thu nhập chính bằng chiếc Mitsubishi Attrage thông qua các ứng dụng gọi xe công nghệ khác. Điểm bất tiện, theo Phong, là khó di chuyển xa như xe xăng. Sạc miễn phí nhưng không phải lúc nào trụ sạc cho xe VinFast cũng sẵn có. Nếu muốn nhanh và chủ động thời gian, anh phải sạc ở các trạm tư nhân và tự chịu chi phí.


Xe xăng, dầu có bị ảnh hưởng?


"Nếu xét riêng ở mảng kinh doanh dịch vụ, xe điện sẽ dần thu hẹp thị phần của những mẫu xe xăng, dầu truyền thống", ông Quốc Bình đánh giá. "Đó là xu hướng tất yếu, nhưng xe động cơ đốt trong không vì thế mà mất đi hoàn toàn".


Theo ông Bình, việc tiếp nhiên liệu nhanh, linh hoạt di chuyển ở bất kỳ đâu là điểm mạnh của xe động cơ đốt trong mà hiện nay, ngược lại, là hạn chế của xe điện. Với những khách kinh doanh dịch vụ có lộ trình di chuyển xa, sử dụng xe cho cả mục đích cá nhân khi cần, xe xăng, dầu vẫn là lựa chọn tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại. Chưa kể giá trị bán lại, thanh khoản của đa số những mẫu xe xăng, dầu nhỉnh hơn so với xe điện.


Trong cuộc gặp với giới truyền thông hồi cuối 2024, một quản lý cấp cao của Toyota Việt Nam thừa nhận xe điện ngày càng có sức hấp dẫn với nhóm khách hàng kinh doanh. Nhưng điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến hãng Nhật.


Lượng xe Toyota bán cho các hãng taxi tại Việt Nam nhiều năm qua chiếm khoảng 5% tổng cơ cấu doanh số của Toyota, tức khoảng hơn 3.300 xe tính trong 2024. Đại diện liên doanh Nhật nói rằng có những chiến lược bán hàng riêng cho mảng xe chạy dịch vụ và tin rằng độ bền, tính ổn định của các sản phẩm từ hãng vẫn là điểm đáng cân nhắc cho khách khi lựa chọn để kinh doanh.


Trong số những doanh nghiệp không mua xe điện có Vinasun. Khi xu hướng điện hóa và cắt giảm chi phí vận hành tràn ngập ngành xe dịch vụ, hãng này bổ sung hàng nghìn xe Toyota hybrid (Yaris Cross, Innova Cross) vào đội hình xe động cơ đốt trong hiện tại. Với xe hybrid (loại tự sạc HEV), mức tiêu hao nhiên liệu giảm khoảng 30-40% so với xe động cơ đốt trong cùng dung tích.


Nhiều chuyên gia cho rằng, những công ty lớn thường cẩn trọng hơn khi lựa chọn mô hình kinh doanh mới. Phụ thuộc hoàn toàn vào một đối tác có thể khiến họ bị động trước những thay đổi khó đoán định trong tương lai.


"Sau vài năm cho sạc miễn phí, công ty đó có thể thể tiếp tục chính sách này, cũng có thể tăng giá sạc", một chủ doanh nghiệp taxi ở TP HCM, nói. Đó là lý do tại sao nhiều công ty chọn xe điện nhỏ, sạc dễ dàng ở bất cứ nơi đâu để vận hành. Hoặc vẫn tin tưởng vào xe động cơ đốt trong thuần túy hay các loại hybrid đang ngày càng đa dạng nguồn cung ở Việt Nam.


Thành Nhạn









Oto dien ve lai thi truong xe dich vu tai Viet Nam


Loi the chi phi van hanh thap giup xe dien ngay cang duoc nhieu ca nhan, doanh nghiep chon de kinh doanh thay cho xe dong co dot trong.

Ôtô điện vẽ lại thị trường xe dịch vụ tại Việt Nam

Lợi thế chi phí vận hành thấp giúp xe điện ngày càng được nhiều cá nhân, doanh nghiệp chọn để kinh doanh thay cho xe động cơ đốt trong.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá