Hôm 11/4, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) thông báo sẽ miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ... cũng như các loại máy móc để sản xuất bán dẫn, chất bán dẫn, pin mặt trời. Động thái này được đánh giá có lợi cho các đại gia công nghệ như Apple, Samsung, HP, Dell Technologies và Microsoft. Các doanh nghiệp này sản xuất hàng điện tử bên ngoài Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng các sản phẩm này "chỉ đang dịch chuyển sang một mức thuế khác", vì Mỹ sẽ "đưa chuỗi cung ứng bán dẫn và thiết bị điện tử vào cuộc điều tra Thuế nhập khẩu vì An ninh quốc gia sắp tới". Ông cũng nhấn mạnh thông báo của CPB không phải là "một ngoại lệ về thuế" và các sản phẩm này từ Trung Quốc vẫn phải chịu mức 20% như đã công bố trước đó.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng khẳng định trên ABC News rằng smartphone, laptop, đồ điện tử sẽ chịu bị áp mức thuế mới trong vòng 1-2 tháng tới. Thuế này nằm ngoài chính sách thuế đối ứng mà ông Trump công bố hồi đầu tháng.
"Tổng thống nói rằng các nhóm đồ điện tử được miễn thuế đối ứng, nhưng chúng phải chịu thuế với sản phẩm bán dẫn", ông nói, dự báo các thuế này sẽ mang sản xuất quay về Mỹ. "Đây là những sản phẩm có tầm quan trọng với an ninh quốc gia, cần được làm tại Mỹ", Lutnick giải thích. Hôm nay, Tổng thống Trump dự kiến công bố thêm chi tiết về kế hoạch áp thuế với nhóm đồ điện tử.
Cách đây một ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá động thái miễn thuế mới nhất của Mỹ chỉ là "bước sửa sai rất nhỏ" và kêu gọi nước này bỏ hoàn toàn thuế đối ứng. Hiện tại, thuế đối ứng Mỹ áp dụng với Trung Quốc là 125%.
Căng thẳng thương mại toàn cầu tăng cao vài tháng qua, khi Mỹ liên tiếp công bố chính sách thuế nhập khẩu mới. Nước này hiện áp thuế chung với hàng hóa Canada, Mexico, Trung Quốc, thuế riêng với nhôm, thép, xe con, linh kiện xe và thuế cơ bản 10% với toàn bộ đối tác thương mại.
Hà Thu (theo Reuters)