Gia tăng lừa đảo nhắm đến người cao tuổi
Vụ việc xảy ra tại Agribank Chi nhánh Vũng Tàu hồi tháng 5 năm nay là minh chứng. Nhân viên ngân hàng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn một vụ lừa đảo, giúp bảo vệ tài sản trị giá 7 tỷ đồng cho một cụ ông 71 tuổi trú tại phường 9, TP Vũng Tàu (nay là phường Tam Thắng, TPHCM).
Nhận thấy khách hàng có biểu hiện vội vã, lo lắng bất thường, giao dịch viên và kiểm soát viên đã tiếp cận trò chuyện để tìm hiểu, nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo.
Phát hiện khách hàng bị một nhóm đối tượng lạ đe dọa, thao túng tâm lý với nguy cơ mất tài sản lớn, nhân viên ngân hàng lập tức liên hệ công an phường để phối hợp xử lý, trấn an tinh thần khách hàng và làm rõ bản chất lừa đảo của vụ việc để khách hàng hiểu.
Sau khi được giải thích, khách hàng đã yên tâm và quyết định không thực hiện giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ xấu, bảo toàn được số tiền 7 tỷ đồng của cả gia đình chắt chiu dành dụm suốt nhiều năm.
Cũng tại Agribank, ngày 12/6 vừa qua, bà L., hơn 70 tuổi, đến PGD Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang (nay là xã Nhã Nam, tỉnh Bắc Ninh) rút hết tiền tiết kiệm 325 triệu đồng, sau đó quay lại ngân hàng đề nghị chuyển toàn bộ số tiền cho “con trai” với biểu hiện lo lắng, căng thẳng bất thường.
Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, nhân viên ngân hàng đã chủ động thông tin đến Công an thị trấn Nhã Nam để phối hợp xác minh.
Ảnh minh họa: Nam Khánh
Qua trao đổi, công an xác định bà L. bị một nhóm đối tượng mạo danh công an, yêu cầu bà chuyển toàn bộ tiền đến một tài khoản lạ để được tại ngoại và chứng minh vô tội trong một vụ án giả mạo.
Các đối tượng liên tục đe dọa và yêu cầu bà giữ bí mật tuyệt đối, không nói với người thân hay ngân hàng. Nhờ sự phát hiện kịp thời và phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và lực lượng công an địa phương, vụ việc đã được ngăn chặn, bảo vệ an toàn tuyệt đối tài sản của khách hàng.
Cũng trong thời gian gần đây, nhân viên Agribank CN Mai Sơn (Sơn La) và CN Phương Lâm (Hoà Bình) cũng đã giúp khách hàng thoát hiểm ngoạn mục với số tiền suýt bị lừa đảo lần lượt 220 triệu đồng và 400 triệu đồng với thủ đoạn tương tự.
Theo thông tin từ Ngân hàng Agribank, năm 2024, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý lộ lọt 68 thông tin tài khoản hệ thống; ngăn chặn 104 trang giả mạo thương hiệu, lừa đảo khách hàng; hỗ trợ xử lý 319 trường hợp khách hàng bị lừa đảo, mất tiền;...
Tái diễn tình trạng mạo danh để lừa đảo
Dù đã được cảnh báo liên tục, tình trạng mạo danh công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế, điện lực hay nhân viên ngân hàng để lừa đảo vẫn liên tục tái diễn.
Các đối tượng thường yêu cầu người dân tải các ứng dụng như VNeID, VssID, eTax…, rồi hướng dẫn thao tác đổi mật khẩu, xác thực OTP, thanh toán dịch vụ công... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng khẳng định không yêu cầu người dân thao tác qua điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội. Người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước mọi cuộc gọi hay tin nhắn bất thường.
Một hình thức mạo danh phổ biến khác là đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng, gọi điện hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo với lý do "xác minh thông tin", "nâng cấp tài khoản"...
Sau đó, đối tượng gửi đường link có chứa mã độc yêu cầu khách hàng nhấp vào để đăng nhập, cập nhật thông tin hoặc tải ứng dụng lạ. Từ đó, mã độc xâm nhập, chiếm quyền điều khiển thiết bị, chúng sẽ rút sạch tiền hoặc sử dụng tài khoản ngân hàng đó cho mục đích rửa tiền, lừa đảo.
Không ít người còn được người lạ mời thuê hoặc mua lại số tài khoản ngân hàng với giá cao nhằm sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Các ngân hàng cũng đồng loạt phát đi cảnh báo khách hàng không tải ứng dụng từ các đường link, website lạ. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin bảo mật (mật khẩu, mã OTP, số tài khoản,...) với bất kỳ ai. Luôn sử dụng phiên bản mới nhất của ứng dụng mobile banking. Không lưu giữ hình ảnh CCCD, tài khoản ngân hàng, mật khẩu trên điện thoại di động.