BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trước tình hình bệnh Covid-19 đang có xu hướng tăng tại nhiều quốc gia. Còn tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Y tế ghi nhận 148 ca nhiễm tại 27 tỉnh, thành, số nhiễm tăng trong ba tuần gần đây, trung bình 20 ca/tuần.
Theo bác sĩ Cầm, bệnh cúm, Covid và phế cầu có thể nhiễm cùng một lúc với nhau, dẫn tới tăng nguy cơ trở nặng và tử vong. Như người đàn ông 66 tuổi mắc cúm A cùng Covid-19 dẫn tới biến chứng suy hô hấp nặng, phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hồi tháng 1/2024. Một trường hợp khác là nữ, 63 tuổi (ở Gò Vấp) nhiễm Covid-19, bội nhiễm phế cầu trên nền bệnh tiểu đường dẫn đến nhiễm trùng và tổn thương phổi, suy hô hấp nặng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào năm 2023, chỉ sau ba ngày sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi.
Về cơ chế các tác nhân gây trở nặng, một số nghiên cứu giải thích niêm mạc bị tổn thương, miễn dịch đường hô hấp suy giảm do mắc cúm, Covid. Việc này có thể mở đường cho vi khuẩn phế cầu thường trú ở vùng hầu họng xâm lấn các cơ quan gây bệnh.
Người có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch, đồng nhiễm nhiều tác nhân cùng lúc gây khó khăn kiểm soát bệnh nền. Quá trình điều trị, sử dụng thuốc phối hợp gặp nhiều khó khăn, tăng nguy cơ trở nặng và tử vong.
Một số đơn vị y tế đã ước tính tỷ lệ tử vong, trở nặng tăng lên khi nhiễm nhiều tác nhân cùng một lúc. Như nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong số 271 bệnh nhân mắc bệnh phế cầu xâm lấn, 55 người (20%) có đồng nhiễm với Covid-19. Trong nhóm này, tỷ lệ tử vong là 16%, cao hơn gấp 4 lần so với nhóm chỉ mắc phế cầu xâm lấn 4%.
Tương tự, nhiễm cùng lúc cúm và Covid-19 cũng làm tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Trong số 305.000 người nhiễm Covid-19 nằm viện tại Anh giai đoạn từ tháng 2/2020 đến tháng 12/2021, nhóm bệnh nhân đồng nhiễm cúm và Covid-19 có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 lần so với người chỉ bị nhiễm một trong hai loại virus. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Lancet, tháng 4/2022.
Để phòng tránh việc đồng nhiễm, bác sĩ Cầm khuyến cáo người dân cần tiêm phòng các tác nhân gây bệnh nói trên.
Đối với phế cầu, hiện có vaccine như mũi ngừa 10 chủng, 13 chủng, 15 chủng và 23 chủng phế cầu, tăng cường hiệu quả bảo vệ cho trẻ em và người lớn. Các vaccine được tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn, số mũi tùy theo độ tuổi.
Với cúm, trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi tiêm hai mũi cách nhau một tháng, từ 9 tuổi trở lên chỉ tiêm một mũi và tiêm nhắc lại hằng năm. Mũi tiêm giúp ngừa bệnh lên đến 90%, giảm nguy cơ nhập viện tử vong, giảm 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, giảm 78% tỷ lệ cơn hen cấp phải cấp cứu hoặc nhập viện. Vaccine cũng giúp giảm 41% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trên bệnh nhân bị COPD.
Ngoài ra, người dân cũng nên tiêm các vaccine phòng bệnh lây qua đường hô hấp khác như ho gà, bạch hầu, não mô cầu, Hib... để tăng cường bảo vệ sức khỏe.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, người dân nên mang khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi miệng. Mọi người cũng cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên vận động để tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng. Khi có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau đầu, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế, không tự dùng thuốc, điều trị bệnh theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn.
Bình Minh