Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (ngày 1/5) kéo dài 5 ngày tại Trung Quốc được xem là thước đo quan trọng về niềm tin tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dựa trên các số liệu chính thức, Reuters ước tính tổng chi tiêu bình quân đầu người dịp này đạt 574,1 nhân dân tệ, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn năm 2019 với 603,4 nhân dân tệ (gần 83 USD).
Tính chung, chi tiêu của du khách Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động tăng 8% so với cùng kỳ 2024, đạt hơn 180 tỷ nhân dân tệ (24,92 tỷ USD).
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ghi nhận 314 triệu chuyến du lịch nội địa trong kỳ nghỉ này, tăng 6,5%. Giao dịch qua Weixin Pay - ứng dụng thanh toán phổ biến - tăng hơn 10% so với cùng kỳ, với mức chi tiêu tại nhà hàng tăng đáng kể. Tuy nhiên, doanh thu phòng vé giảm mạnh, chỉ đạt 747 triệu nhân dân tệ (gần 79 triệu USD) trong 5 ngày nghỉ, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2024.
Ngành dịch vụ đóng góp 56,7% GDP Trung Quốc. Dù tăng trưởng kinh tế quý I vượt kỳ vọng nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ, nước này vẫn đối mặt với nguy cơ giảm phát.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực dịch vụ do Caixin/S&P Global khảo sát đã giảm còn 50,7 điểm trong tháng 4, từ mức 51,9 của tháng 3, và chạm đáy kể từ tháng 9/2024. Ngưỡng 50 phân định giữa mở rộng và thu hẹp hoạt động.
Khoảng 48% lực lượng lao động Trung Quốc làm việc trong ngành dịch vụ. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh ngành này đang tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2020, do nhiều công ty coi thuế quan Mỹ là mối lo chính. Họ tiếp tục cắt giảm nhân sự tháng thứ hai liên tiếp để tiết kiệm chi phí.
PMI khu vực dịch vụ giảm là "bằng chứng bổ sung cho thấy thương chiến đang tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế Trung Quốc, không chỉ riêng lĩnh vực sản xuất", theo chuyên gia kinh tế Trung Quốc Zichun Huang thuộc Capital Economics. "Dù thận trọng là cần thiết, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp đang lo ngại quá mức về thiệt hại mà thuế quan Mỹ có thể gây ra", bà nhận định.
Phiên An (theo Reuters)