Tại một bãi tập lái ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Quân (Đông Anh, Hà Nội), người có gần 12 năm kinh nghiệm dạy lái xe vừa kết thúc buổi học thực hành với nhóm học viên mới. Trò chuyện với PV VietNamNet, anh Quân cho biết: "Càng nhiều năm dạy, tôi càng hiểu mỗi giờ ngồi ghế phụ là 1 lần ‘đặt cược’ vào sự tỉnh táo của học viên."
Anh Quân nhớ lại, khoảng tháng 3 năm nay, một học viên nữ ngoài 30 tuổi tên Hương, nhân viên văn phòng, trong buổi tập đầu tiên vào số, bất ngờ đạp nhầm chân ga thay vì phanh. Chiếc xe vọt lên, đâm thẳng vào bụi cây sát hàng rào sắt, chỉ cách trụ cổng vài chục centimet. “Nếu hôm đó không kịp kéo phanh tay, tôi không dám tưởng tượng hậu quả,” anh Quân kể, giọng vẫn chưa hết hồi hộp.
Không chỉ tay lái yếu, tâm lý hoảng loạn cũng là "sát thủ giấu mặt" của người học lái.
"Không chỉ tay lái yếu, mà tâm lý hoảng loạn cũng là 'sát thủ giấu mặt' của người học lái. Có học viên lái rất ổn trong bãi tập, nhưng lần đầu ra đường thật, gặp xe buýt và xe máy lấn làn thì cuống lên, đánh lái sai hướng, suýt lao sang làn ngược chiều. Lúc đó, tôi chỉ kịp hét ‘dừng lại’ và giật phanh.
Có lần, một nam học viên trẻ tuổi tự tin đến mức vừa lên xe đã 'làm chủ vô lăng', liên tục tăng tốc trong khu vực tập có chướng ngại vật. Bất ngờ xe mất lái, suýt lao xuống mương nước ven đường. “Chúng tôi dạy là để học viên biết sợ, biết lường trước tình huống. Lái xe mà coi thường tay lái là tự rước họa vào thân”, anh Quân chia sẻ.
Một trong những tình huống khiến anh nhớ mãi là lần dạy đêm cho học viên thi gấp. Học viên nữ tên Thảo, lần đầu lái xe trên đường đông xe máy, đã không bật xi-nhan khi rẽ, khiến một xe phía sau phanh gấp suýt ngã. “Tôi phải quát lên để em ấy dừng xe. Đó là bài học về sự quan sát, và quan trọng nhất là phải ra quyết định đúng thời điểm, không được hoang mang".
Đào tạo qua hàng trăm học viên, anh Quân cho biết, điều khó nhất của nghề dạy lái không chỉ là dạy kỹ thuật, mà là giúp học viên kiểm soát được tâm lý, nhất là khi gặp tình huống bất ngờ.
Lời khuyên thực tế và dễ nhớ dành cho học viên
Để tránh những tình huống "dở khóc, dở cười" trong quá trình học lái xe, anh Quân cũng đưa ra lời khuyên thiết thực cho các học viên cũng như những tài xế mới.
Học chậm mà chắc, đừng vội chạy theo tốc độ hay thành tích. Hãy làm chủ từng thao tác cơ bản như đánh lái, vào số, rà phanh, quan sát gương... trước khi tập tình huống nâng cao.
Đừng chỉ học để thi, thi chỉ là một phần nhỏ, lái xe ngoài đường là chuyện cả đời. Đừng học thuộc lòng lý thuyết, hãy hiểu và áp dụng vào thực tế.
Cần tập nhiều tình huống thực tế - đặc biệt là dốc, lùi, cua hẹp.
Kiểm soát tâm lý, đừng để tâm lý kiểm soát tay lái, bình tĩnh là “tay lái phụ” quan trọng nhất. Gặp tình huống bất ngờ, hoảng loạn sẽ khiến bạn phản xạ sai, thậm chí gây tai nạn.
Quan sát liên tục - không chỉ phía trước, đôi mắt không chỉ nhìn đường, mà còn phải nhìn gương. Ghi nhớ: “Phanh bằng mắt trước khi phanh bằng chân.”
Tập nhiều tình huống thực tế - đặc biệt là dốc, lùi, cua hẹp. Những bài thi chỉ là hình thức. Còn khi đi làm, đi chơi, bạn sẽ gặp đủ kiểu tình huống. Tập thật kỹ các tình huống dễ “toát mồ hôi” như đề-pa dốc, lùi chuồng, vào bãi đông...
Nghe kỹ thầy, hỏi nhiều, đừng ngại sai. Giai đoạn học là lúc bạn được phép sai để sửa. Hỏi lại khi chưa rõ, đừng ậm ừ cho qua. Lái xe là không có chỗ cho “khoảng trống kiến thức”.