Điều dưỡng Phạm Thị Hồng Hạnh, khoa nội cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết như trên, thêm rằng mật độ xương của cơ thể giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Tình trạng gãy xương do loãng xương thường gặp ở cột sống, xương đùi và xương cẳng tay.
Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh là thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng. Người bệnh mỏi dọc các xương dài, đau nhức toàn thân như kim chích, gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người. Người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, tăng huyết áp, thoái hóa khớp...
Để làm chậm và phòng ngừa loãng xương, ngoài việc xác định nguyên nhân thứ phát gây loãng xương, cần bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua ăn uống. Tham vấn bác sĩ khi dùng các loại viên uống bổ sung. Thường xuyên tập thể dục với cường độ phù hợp để xây dựng hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, đặc biệt là với người lớn tuổi.
Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để tránh gây hại đến xương khớp. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid. Lạm dụng các thuốc này có thể làm tình trạng loãng xương thêm trầm trọng, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh (trên 40 tuổi), phụ nữ cần kết hợp bổ sung canxi hằng ngày cùng với estrogen để bù đắp sự suy giảm nội tiết tố nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Người trong nhóm nguy cơ nên đo loãng xương để kiểm tra và sớm phát hiện ra dấu hiệu loãng xương. Khi xuất hiện các vấn đề cơ xương khớp (đau xương khớp, đau cơ bắp, chuột rút thường xuyên), nên đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Quá trình điều trị loãng xương có thể kéo dài khoảng 3-5 năm. Người bệnh nên khám định kỳ, sử dụng thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ, đo lại mật độ xương sau mỗi 1-2 năm. Điều này sẽ giúp đánh giá tiến triển của bệnh và khả năng đáp ứng với điều trị. Qua kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tổng thể tình trạng bệnh, mức độ loãng xương, từ đó đưa ra hướng điều trị tiếp theo.
Lê Nga