Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Nội vụ vừa nêu điều kiện tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật (IM Japan) hai ngành Sản xuất chế tạo và Xây dựng. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ 1/7 đến 30/9.
Chương trình chọn ứng viên là nam giới 18-30 tuổi, tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên, cao từ 1,58 m, cân nặng phù hợp chiều cao, không xăm mình, không dị tật, không sẹo. Thị lực ứng viên đạt 1/10 trở lên khi không đeo kính và đạt 7/10 nếu đeo kính, không bị nhược thị, rối loạn sắc giác. Người đi không có tiền án, chưa từng tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật.
Ứng viên sẽ trải qua ba vòng thi tuyển. Vòng đầu thi Toán với 20 câu hỏi trong 45 phút, thang điểm 100. Người thực tập ngành Sản xuất chế tạo đạt từ 60 điểm trở lên và ngành Xây dựng từ 40 điểm trở lên. Vòng này áp dụng chính sách ưu tiên với người đạt từ trên 30 điểm. Cụ thể, con thương binh, liệt sĩ, người có công cộng 20 điểm; người thuộc địa bàn nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018-2020 cộng 20 điểm; người dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi cộng 15 điểm; người thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số tỉnh không phải miền núi cộng 10 điểm.
Vượt qua vòng thi Toán, thí sinh tới vòng 2 kiểm tra thân thể, thị lực, sắc giác và thể lực. Vòng 2 yêu cầu ứng viên chống đẩy 35 lần, gập cơ bụng 25 lần và chạy 3.000 m trong 18 phút. Vòng 3 là phỏng vấn, đánh giá nguyện vọng cá nhân, kinh nghiệm thực tế, tác phong.
Thời gian thực tập của lao động tại Nhật Bản 3-5 năm. Mức lương theo hợp đồng ngành Sản xuất chế tạo 140.000-170.000 yên, tương đương 24-30 triệu đồng mỗi tháng. Lao động ngành Xây dựng nhận mức 150.000-200.000 yên, tức 26-35 triệu đồng mỗi tháng. Các mức lương này chưa khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, thuê nhà, chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các phúc lợi khác.
Ứng viên trúng tuyển được đào tạo tiếng Nhật và kiến thức cơ bản trước khi xuất cảnh 6 tháng. Người lao động đóng trực tiếp chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, tiền ăn, tiền ở ký túc xá cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Trung tâm Lao động ngoài nước thu lệ phí xin visa, tiền quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, học phí các khóa đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng chính thức trước phái cử, tăng cường và ôn tập trước xuất cảnh.
Lao động sẽ được nhận lại các khoản thu học phí và ký túc xá khóa đào tạo chính thức trước phái cử sau khi đã sang Nhật. Tiền chi phí quản lý chương trình từ phía IM Japan mà Trung tâm nhận được sẽ chuyển vào tài khoản người lao động tại Việt Nam. Nếu bỏ dở chương trình, lao động sẽ không được nhận khoản này. Trung tâm tính toán tổng chi phí lao động nhận lại sau xuất cảnh gồm học phí và một số khoản dao động 28-38 triệu đồng.
Đơn vị này lưu ý để phòng chống lừa đảo hoặc thu tiền trái quy định, lao động không nhờ người nộp hộ hồ sơ hoặc nộp cho trung gian, môi giới, không tham gia lớp học ôn tập, tạo nguồn hay ký kết hợp đồng tư vấn về chương trình có thu phí.
Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản triển khai từ năm 2006. Người đi gọi là thực tập sinh, tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật trong 3 năm, hưởng lương cơ bản theo hợp đồng.
Cuối năm 2024, Việt Nam dẫn đầu 15 nước phái cử thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản với hơn 200.000 người. Lao động đi làm việc diện kỹ năng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các nước phái cử, khoảng 110.600 người; IM Japan khoảng 9.000 người.
Việt Nam ghi nhận khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 3,5-4 tỷ USD kiều hối. Lao động làm việc tại Hàn Quốc cho thu nhập cao nhất 1.600-2.000 USD, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD; Đài Loan 800-1.200 USD mỗi tháng, một số quốc gia châu Âu có mức tương tự. Thị trường Trung Đông và Malaysia mức lương thấp hơn, khoảng 600-1.000 USD với lao động có tay nghề và 400-600 USD mỗi tháng với lao động phổ thông.
Hồng Chiêu