Nội dung trên nằm trong báo cáo kết quả giám sát thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao, do cơ quan này thực hiện hồi cuối tháng 6.
Hiện, thành phố có 22 trường chất lượng cao, từ mầm non đến THPT, giảm một so với năm ngoái (trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm). Ban Văn hóa - Xã hội đánh giá hầu hết trường có giáo viên trình độ cao, cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học tiên tiến, hệ thống sân chơi, phòng chức năng đạt chuẩn, nhiều tiện ích như bể bơi, sân thể thao...
Tuy nhiên, cơ quan này chỉ ra một số hạn chế, khó khăn.
Một là cơ sở vật chất xuống cấp, dẫn tới trường chất lượng cao không còn ưu thế nổi trội so với nhiều trường công lập đại trà được xây mới. Có trường hạn chế về diện tích, chưa đảm bảo chuẩn quốc gia (6-10 m2/học sinh), ảnh hưởng đến dạy và học theo yêu cầu nâng cao.
Chẳng hạn, trường Mầm non B chưa đáp ứng yêu cầu về phòng học, thiết bị, khu vui chơi. Còn Mầm non Việt Triều Hữu Nghị, Mầm non Mai Dịch, 20-10, Đô thị Việt Hưng đã được xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp.
Hai là giảm sức hút, nhất là ở 7 trường mầm non. Theo khảo sát, những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh của 7 trường mầm non đều thấp hơn so với tiêu chí đề ra, song không nêu chi tiết. Việc này khiến nguồn thu học phí của các trường không đảm bảo, ảnh hưởng quy mô triển khai chương trình, đầu tư cơ sở vật chất và trả lương giáo viên.
Ba là sĩ số vượt chuẩn. Tình trạng này xảy ra ở trường Tiểu học Tràng An và Ngôi Sao Hà Nội, khi sĩ số cấp tiểu học là 31-35 học sinh/lớp, trong khi quy định là không quá 30.
Ngoài ra, các trường chất lượng cao còn gặp vướng mắc ở một số quy định, chính sách. Chẳng hạn, việc mua sắm thiết bị, định mức chi tiêu, quy trình mua sắm theo quy định chung cho trường công dùng ngân sách nhà nước, trong khi các trường chất lượng cao có đặc thù về chương trình dạy. Ban Văn hóa - Xã hội cho rằng việc này gây khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn và chất lượng giáo dục.
Cơ quan này kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, mua sắm thiết bị cho trường chất lượng cao. Hà Nội cũng nên phát triển cụm trường chất lượng cao từ mầm non ở THPT trên cùng địa bàn, nhằm đảm bảo tính liên thông, toàn diện. Cùng đó, thành phố có giải pháp để khuyến khích trường ngoài công lập tham gia và phát triển theo mô hình này.
Với các trường, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị công khai học phí, đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức thu.
Hiện, trần học phí với trường công chất lượng cao ở Hà Nội là 5,1-6,1 triệu đồng một tháng. Trong khi, học phí trường công bình thường từ 19.000 đến 217.000 đồng.
Thanh Hằng