Ông Việt sinh ra trong gia đình nghèo, đông con tại xã Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (nay là xã Châu Thành, tỉnh An Giang). Mất cha từ nhỏ, một buổi đi học, một buổi phụ mẹ việc đồng áng, ông là người duy nhất trong số các anh em theo đuổi con chữ đến cùng. Năm 1982, ông là một trong bốn học sinh của huyện đỗ đại học.
"Hồi đó học đại học không mất học phí, mỗi tháng còn được trợ cấp 13 kg gạo, 26 đồng. Tôi đi làm thêm từ bán bánh dạo, dặm lúa đến tuốt lá mía để gửi tiền về cho má", ông kể.
Tốt nghiệp ngành trồng trọt Đại học Cần Thơ với thành tích xuất sắc, ông được giữ lại trường học chuyên sâu và hứa hẹn cơ hội đi du học. Tuy nhiên, ông từ chối để về quê lo cho mẹ và các em.
Trải qua nhiều vị trí từ cán bộ phòng nông nghiệp, hội nông dân, đến giám đốc hợp tác xã, ông tự nhận mình là người "nếm đủ mùi nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Dù am hiểu kỹ thuật canh tác lúa cao sản, ông vẫn luôn đau đáu ký ức tuổi thơ trồng lúa mùa cùng gia đình, sống trong hệ sinh thái đồng ruộng phong phú, yên bình.
"Lúa mùa gieo xong cứ để tự nhiên. Lũ về, cá đồng kéo lên sinh sản, ăn sâu rầy, thải phân làm phân bón. Khi gió bấc nổi, lúa trổ bông theo mùa, hạt gạo thơm, chắc và ngọt", ông nhớ lại.
Tám năm trước, với mong muốn lưu giữ tinh hoa lúa mùa, ông thuyết phục gia đình dành toàn bộ 2,5 ha đất để trồng và phục dựng giống cũ. Ông liên hệ các viện, trường xin giống và nhận được 5 loại quý: Một Bụi, Chim Rơi, Ba Bụi, Nếp Than Tàu, Móng Chim Vàng, mỗi loại chỉ 200 hạt. Ông khoanh vùng trồng thử, chăm sóc kỹ lưỡng.
Thời gian đầu, nhiều người cho rằng ông "gàn", nhưng ông không bận tâm. Dần dần, từng đàn cá, chim trời trở lại, hệ sinh thái phục hồi. "Đất cũng như con người, sau khi làm việc cực nhọc cần được nghỉ ngơi. Mỗi mùa lúa xong tôi cho đất nghỉ để tự phục hồi", ông nói.
Sau vài vụ nhân giống thành công, ông mở rộng diện tích lên 2,5 ha và thuê thêm gần 10 ha đất lân cận chỉ để phục vụ bảo tồn. Tuy nhiên, hành trình ấy ông Việt gặp không ít trở ngại như: giống thoái hóa, chim trời ăn sạch khi trổ bông... Ông lại kiên trì phục tráng, bao lưới bảo vệ vùng trồng.
Một phần giống sau khi thu hoạch được ông gửi lại các viện, trường để nghiên cứu. "Nhiều giống lúa bảo quản lâu năm sẽ mất khả năng nảy mầm, phải trồng lại để trẻ hóa. Nếu không làm, những giống quý này sẽ biến mất", ông chia sẻ.
Đến nay, ông Việt đã phục dựng được 40 giống lúa mùa, phối hợp cùng Đại học Cần Thơ trẻ hóa 850 giống địa phương, chọn lọc ra hai giống riêng là TV1 và TV2. Các sản phẩm gạo lúa mùa Móng Chim Vàng, Móng Chim Rơi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Trồng lúa thuận thiên, năng suất chỉ 1-2 tấn/ha, ông thừa nhận vụ nào cũng thua lỗ dù giá bán cao. Tiền lương hưu và tiền dành dụm đều dồn hết cho ruộng lúa. "Bà nhà tôi cằn nhằn suốt, mà tôi không nỡ bỏ. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành cho ai", ông nói.
Gần đây, ông mở trang trại kết hợp sản xuất và du lịch nông nghiệp, vừa có thêm thu nhập, vừa quảng bá lúa mùa. Mỗi tuần, nhiều đoàn học sinh, sinh viên ngành nông nghiệp và du khách quốc tế tới thăm, nghe ông giảng giải, trải nghiệm gặt, tuốt lúa, ăn cơm giữa đồng quê.
Ông cũng phục dựng nhiều nông cụ truyền thống như bồ lúa, cối xay, nọc cấy... để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa lúa nước. Rảnh rỗi, ông viết sách kể về đời sống lúa mùa, phỏng vấn các lão nông để bổ sung tư liệu. Những cuốn sách được ông tặng cho thư viện các trường, bạn bè, học sinh.
Năm 2023, ông Việt được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là "nhà khoa học của nhà nông", cùng nhiều bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, huyện. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất là được gìn giữ và lan tỏa kiến thức trồng lúa truyền thống cho thế hệ sau.
Ngọc Tài