Uyên là trưởng nhóm điều hành thị trường đường dài cho một công ty du lịch ở quận 1. Chị cho biết thói quen phòng bệnh trước khi xuất ngoại có từ năm 2022. Thời điểm đó chị bị cúm chưa khỏi, nhưng đặc thù công việc phải di chuyển, nói nhiều khi hỗ trợ du khách tại nước ngoài trong môi trường tuyết lạnh, chị bị viêm dây thanh quản nặng, một thời gian dài không nói được.
Trước đó chị Uyên chủ quan cho rằng, cúm là bệnh thông thường, có thể khỏi sau khi uống một vài liều thuốc và bổ sung vitamin C.
Vài ngày tới, công ty chị sẽ tổ chức chuyến đi đến Nhật Bản cho đoàn du khách TP HCM. Thời điểm Giáng sinh và Tết dương lịch, Nhật Bản khá lạnh, tuyết rơi dày đặc. Với những người cơ địa nhạy cảm với virus, vi khuẩn và rút kinh nghiệm từ lần trước, chị đặt lịch tiêm phòng cúm, xem đó là việc "cần phải làm" trước khi xuất ngoại.
Theo chị Uyên, ở vùng ôn đới, người dân rất quan tâm phòng cúm, ví dụ Australia, Mỹ, Anh triển khai tiêm cúm trong chương trình Tiêm chủng quốc gia. Nhật Bản không bắt buộc du khách tiêm vaccine song có điều kiện thời tiết khắc nghiệt cuối năm, cơ quan y tế địa phương thường có cảnh báo phòng bệnh cúm đến người dân hoặc du khách đến dịp này.
Còn Phương Linh, 34 tuổi, hướng dẫn viên du lịch lâu năm cho công ty lữ hành ở TP Thủ Đức, tiêm ngừa cúm trước chuyến du lịch Thái Lan một tháng theo chính sách của công ty. Theo Linh, Thái Lan cũng không yêu cầu du khách phải tiêm chủng, tuy nhiên đồng nghiệp thường xuyên bị ho, đau họng khi đến đây.
Công tác trong ngành du lịch lâu năm, cả Uyên và Linh cho biết, một số quốc gia có yêu cầu tiêm chủng trước khi nhập cảnh, ví dụ: Mỹ yêu cầu người định cư phải tiêm chủng phòng 15 bệnh như Covid-19, viêm gan A-B, cúm, Hib, sởi, quai bị, phế cầu, ho gà... Trung Quốc, Saudi Arabia bắt buộc du khách từ hơn 9 tháng tuổi đến từ quốc gia có nguy cơ lây nhiễm bệnh này. Du khách đồng thời phải có chứng nhận tiêm chủng sốt vàng. Vaccine viêm não Nhật Bản được khuyến cáo khi đi đến các vùng nông thôn ở hầu hết các nước châu Á và Nam Á, đặc biệt vùng trồng lúa và chăn nuôi lợn.
"Việc tiêm chủng trước khi du lịch không chỉ giúp du khách và hướng dẫn viên đáp ứng yêu cầu khi nhập cảnh, mà còn đảm bảo sức khỏe để có chuyến du lịch suôn sẻ", nữ hướng dẫn viên này nói.
Thời gian qua, Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận nhiều doanh nghiệp, trong đó có các công ty du lịch lữ hành đăng ký tiêm các loại vaccine phòng bệnh hô hấp. Mới đây, Công ty Tugo đăng ký tiêm vaccine cúm miễn phí cho 50 nhân viên tại VNVC. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc công ty, cho biết nhân viên thường xuyên bị cảm, cúm khi chuyển mùa. Chỉ một vài người nhiễm, toàn bộ văn phòng mắc bệnh. Trong khi đó, các chuyến du lịch mùa đông của công ty phục vụ khoảng 1.000 - 5.000 lượt khách đi du lịch các nước.
Trong khi đó, đặc thù của lĩnh vực du lịch, lữ hành là tiếp xúc nhiều người, đi nhiều nơi, lịch trình dày đặc, vì vậy nhân viên phải đảm bảo sức khỏe. Trường hợp không may mắc bệnh tại nước ngoài, chi phí điều trị khá tốn kém.
Bà Phạm Hồng Thúy, Giám đốc chăm sóc khách hàng Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết năm nay, doanh nghiệp đăng ký tiêm thêm vaccine sốt xuất huyết cho nhân viên, mỗi đơn vị có số lượng tiêm từ vài chục đến vài trăm người. Việc tiêm phòng giúp chuẩn bị sức khỏe cho nhân viên yên tâm dẫn đoàn, hỗ trợ chuyến đi suôn sẻ hơn.
Chia sẻ về khía cạnh sức khỏe, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời tiết lạnh cuối năm gây suy giảm sức đề kháng, mầm bệnh tồn tại lâu hơn ngoài môi trường khiến nhiều người dễ mắc bệnh đường hô hấp. Việc tiêm chủng trước chuyến du lịch giúp chủ động bảo vệ sức khỏe mọi lúc, mọi nơi.
Về lịch trình tiêm, bác sĩ Chính khuyến cáo tiêm chủng tối thiểu một tháng trước ngày khởi hành, có thể rút ngắn phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của điểm đến. Ngoài ra, mọi người nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thức khuya, mang khẩu trang, bổ sung các loại vitamin để nâng cao thể trạng, hạn chế mắc bệnh. Khi có các triệu chứng ho, sốt, đau họng... cần đến bệnh viện sớm, không nên tự ý dùng thuốc.
Hiện Việt Nam có vaccine cúm phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ em và người lớn, hiệu quả phòng bệnh đến 90%. Người lớn chỉ cần tiêm một liều cơ bản và nhắc lại hằng năm để đảm bảo hiệu quả. Với phế cầu khuẩn, người lớn cần tiêm trước một mũi phế cầu 13, sau đó tiêm tiếp loại phế cầu 23 để phòng ngừa đầy đủ các chủng vi khuẩn phế cầu, sau đó nhắc lại phế cầu 23 theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài cúm, phế cầu, những người làm công việc hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều nước nên tiêm thêm vaccine tả, thương hàn, viêm gan A, viêm gan B, HPV, sốt xuất huyết, sởi, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, uốn ván, dại... để đảm bảo an toàn trong mỗi chuyến đi.
Diệu Thuần