Sau 2 tuần bị bệnh nặng, hổ trắng Bengal quý hiếm với tên gọi Ngộ Không đã không qua khỏi.
Theo đại diện Thảo Cầm Viên, hổ trắng Ngộ Không có dấu hiệu bỏ ăn, sức khỏe suy giảm từ 2 tuần trước.
Các bác sĩ thú y phối hợp chuyên gia và Chi cục Thú y TPHCM đã tổ chức hội chẩn, xác định hổ mắc nhiều bệnh như suy tụy, viêm gan... Ngộ Không được chăm sóc sức khoẻ và có dấu hiệu hồi phục, tươi tỉnh dạo chơi quanh chuồng vài ngày trước. Tuy nhiên, đến hôm qua (7/7), Ngộ Không bất ngờ trở mệt rồi không qua khỏi.
Hổ trắng quý hiếm Ngộ Không lúc còn khoẻ mạnh. Ảnh: Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Ngộ Không được sinh tại Thảo cầm viên Sài Gòn vào ngày 8/7/2015, đến nay vừa tròn 10 tuổi. Đây là hổ trắng Bengal (Panthera tigris tigris) là kiểu hình của dạng đồng hợp tử gene lặn đột biến ở hổ bố và hổ mẹ.
Ngộ Không cũng có một hổ em tên Bò Sữa và một anh trai khác. Tuy nhiên, hổ anh mất khi chưa tròn 6 tháng tuổi do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa.
Riêng hổ em tên Bò Sữa được tách ra nuôi bằng sữa công thức do hổ mẹ không đủ sữa chăm 2 con cùng lúc.
Hiện tại Thảo Cầm Viên chỉ còn một hổ trắng tên Bò Sữa.
Hổ trắng (còn gọi là cọp Bengal) là loài quý hiếm, phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh. Loài hổ này được ghi nhận thường gặp các vấn đề về thị giác, thị lực kém, suy yếu miễn dịch, dị tật xương khớp, thận, thần kinh, nhạy cảm với ánh nắng... gây khó khăn trong việc tồn tại trong tự nhiên, nguy cơ tuyệt chủng cao.
Hiện trên thế giới còn khoảng 3.200 hổ trắng, chủ yếu được nuôi trong các vườn thú.

Đười ươi trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn hút thuốc gây sốc
Hình ảnh đười ươi trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn phì phèo điếu thuốc nhặt được từ du khách ném xuống, gây xôn xao dư luận.
Cuộc sống của gia đình hổ trắng trong 'ngôi nhà' Thảo Cầm Viên
Mỗi ngày, cả nhà hổ ăn khoảng 5kg thịt. Khẩu phần ăn của hổ được thay đổi liên tục, gồm thịt bò, trâu, gà.