Hang động nhiều hài cốt ở Nghệ An có thể là nơi sinh sống của người tiền sử

Khu vực hang đá Lèn Chùa, ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An có những yếu tố đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình.


Ngày 25/4, ông Hồ Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, trao đổi với phóng viên về những phát hiện mới đây tại hang đá Lèn Chùa, ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.


Theo ông Hà, qua quan sát hiện trường và phân tích đặc điểm hang động Lèn Chùa, bước đầu có thể nhận định khu vực này có sự tương đồng với một số di chỉ khảo cổ học từng được khai quật trước đó trên địa bàn tỉnh Nghệ An như hang Thẩm Ồm, Đồng Trương, Hợ Trung và hang Mẹ Mòn.


Những đặc điểm nổi bật tại đây bao gồm dấu tích cư trú trong hang động, công cụ đá ghè đẽo thô sơ, dấu vết sử dụng lửa và các hình thức chôn cất người chết ngay tại nơi ở, đều là những yếu tố đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình.


Theo các chuyên gia, văn hóa Hòa Bình có niên đại khoảng 10.000-3.000 năm Trước Công nguyên, đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ đời sống săn bắt, hái lượm sang nông nghiệp sơ khai. Người tiền sử thường chọn các hang động gần suối hoặc sông để sinh sống, thuận tiện cho việc lấy nước và săn bắt.


Phát hiện nhiều hộp sọ và xương người tại hang đá Lèn Chùa (xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn) đang mở ra hướng nhận định mới: nơi đây có thể từng là địa bàn cư trú của người tiền sử thuộc nền văn hóa Hòa Bình - một trong những nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu ở Việt Nam và Đông Nam Á.


Các công cụ sản xuất tìm thấy bao gồm rìu tay, công cụ chặt, nạo, chày nghiền làm từ đá cuội hoặc xương động vật. Đặc biệt, cư dân đã biết chế tác đồ gốm bằng tay với hoa văn đơn giản như văn thừng, văn khắc vạch.


"Người chết thường được chôn cất trong hang, ngay tại khu vực cư trú. Điều đó cho thấy mối liên kết mật thiết giữa không gian sống và nơi an nghỉ, đặc trưng nhân văn sâu sắc của người tiền sử", ông Hà chia sẻ.


Ông Hà cho rằng: "Cá nhân tôi nhận định đây rất có thể là địa bàn cư trú của người tiền sử, có niên đại hàng nghìn năm. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chính xác, cần có sự giám định chuyên sâu từ các cơ quan chức năng và chuyên gia khảo cổ học".


Hiện trường hang đá Lèn Chùa đang được phong tỏa nghiêm ngặt. Các mẫu di cốt và hiện vật cần được bảo quản nguyên vẹn để phục vụ giám định bằng phương pháp khoa học hiện đại như phân tích đồng vị phóng xạ Carbon-14 và nghiên cứu nhân chủng học.


Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An đang phối hợp với địa phương để kiểm tra khảo sát thực tế tại Lèn Chùa, nhằm có thêm thông tin về nguồn gốc của các di cốt và hiện vật liên quan. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất các phương án xử lý đảm bảo đúng quy định.


Văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa khảo cổ học nổi bật ở Việt Nam, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á, được đặt tên theo những phát hiện đầu tiên tại hang Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình, Việt Nam) vào đầu thế kỷ XX.


Văn hóa Hòa Bình là nền văn hóa tiền sử, tồn tại vào khoảng 10.000-3.000 năm trước Công nguyên (tức khoảng 12.000-5.000 năm trước hiện tại), thuộc hậu kỳ đồ đá cũ và sơ kỳ đồ đá mới.


Nó đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ đời sống săn bắt - hái lượm sang nông nghiệp sơ khai, đặt nền móng cho sự phát triển của các xã hội nguyên thủy ở Việt Nam và Đông Nam Á.









Hang dong nhieu hai cot o Nghe An co the la noi sinh song cua nguoi tien su


Khu vuc hang da Len Chua, o huyen Nghia Dan, Nghe An co nhung yeu to dac trung cua nen van hoa Hoa Binh.

Hang động nhiều hài cốt ở Nghệ An có thể là nơi sinh sống của người tiền sử

Khu vực hang đá Lèn Chùa, ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An có những yếu tố đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá