Hai người tử vong sau khi ăn tiết canh lợn

Hưng Yên - Sau khi ăn tiết canh lợn, 6 trong số 17 người phải nhập viện điều trị, trong đó hai trường hợp tử vong.


Ngày 16/7, đại diện Sở Y tế Hưng Yên cho biết thông tin trên. Sự việc xảy ra hôm 5 và 6/7, khi 17 người dân tại thôn An Vị và Đồng Kỷ dùng bữa tại ba quán ăn gần nhau ở thôn Đồng Kỷ, xã Quỳnh An. Sau đó, 6 người phải điều trị tại các bệnh viện Hưng Yên và Hà Nội do có triệu chứng bất thường. Đến ngày 8/7, hai trường hợp tử vong.


Các nạn nhân thiệt mạng là nam, 51 tuổi và 55 tuổi, đều có biểu hiện sốt cao, đau đầu và rối loạn tiêu hóa. Người đàn ông 51 tuổi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực (Hưng Yên) với chẩn đoán ban đầu là viêm màng não. Tình trạng sức khỏe của ông chuyển biến xấu dù đã được chuyển lên tuyến trên điều trị, sau đó ông được đưa về nhà và tử vong.


Trường hợp còn lại nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, trong tình trạng hôn mê, bệnh diễn biến nặng và ông cũng được gia đình đưa về nhà.


4 trường hợp khác đang được theo dõi, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.


Ngày 15/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hưng Yên đã thành lập hai tổ công tác để điều tra, xác minh thông tin, truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi và giết mổ, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm. Nhà chức trách nghi ngờ các nạn nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.


Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết bệnh nhân đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.


Trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong


Nhiều người cho rằng không ăn tiết canh lợn thì có thể chuyển sang ăn tiết canh gia cầm như ngan, vịt hoặc dê vì chúng "sạch" hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù trước đó chỉ ăn tiết canh gia cầm. Nguyên nhân là do trong quá trình chế biến, người nấu có thể pha trộn thêm tiết canh lợn hoặc sử dụng chung dụng cụ chế biến, dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh.


Ngoài ra, nhiều người tin rằng lợn nhà nuôi, lợn mán hay lợn cắp nách là "sạch", có thể ăn tiết canh. Các chuyên gia y tế khẳng định bất kể giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Vi khuẩn này thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh, được gọi là "lợn lành mang trùng". Khi lợn bị nhiễm bệnh, vi khuẩn sẽ có mặt trong máu và thịt, và nếu không được nấu chín kỹ, người ăn vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh cao.


Để phòng tránh, người dân cần nấu chín thịt lợn, không giết mổ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.


Thúy Quỳnh









Hai nguoi tu vong sau khi an tiet canh lon


Hung Yen - Sau khi an tiet canh lon, 6 trong so 17 nguoi phai nhap vien dieu tri, trong do hai truong hop tu vong.

Hai người tử vong sau khi ăn tiết canh lợn

Hưng Yên - Sau khi ăn tiết canh lợn, 6 trong số 17 người phải nhập viện điều trị, trong đó hai trường hợp tử vong.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá