"Đây là thông báo chính thức của Cảnh sát Trung Quốc về Pi Network năm 2023, khuyến cáo công chúng rằng dự án là vụ lừa đảo, nhắm chủ yếu đến người cao tuổi, làm rò rỉ dữ liệu cá nhân và mất lương hưu của họ", Ben Zhou, CEO Bybit viết trên X rạng sáng 21/2. "Có nhiều báo cáo khác cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của dự án.
Theo đường link ông Zhou chia sẻ, cảnh sát thành phố Vô Tích tập hợp một số trường hợp điển hình về người già Trung Quốc tải về ứng dụng Pi Network theo "lời mời" của người khác, cung cấp giấy tờ tùy thân quan trọng, thậm chí dẫn dụ gặp gỡ "đầu tư" nhưng thực chất lừa đảo.
"Tội phạm dùng chiêu trò 'miễn phí' và 'quà tặng' để thu hút người ham lợi nhuận tải xuống phần mềm, tạo niềm tin bằng cách nói người chơi không đầu tư vốn, tặng họ một lượng nhỏ 'tiền Pi". Sau đó, chúng khuyến khích mở rộng bằng cách thưởng cho những ai lôi kéo thêm người tham gia, bán lại thông tin cá nhân của người dùng và lừa đảo tiền của nạn nhân", theo Sở Cảnh sát Vô Tích năm 2023.
Cũng trong bài viết, ông Zhou một lần nữa khẳng định sàn Bybit chưa từng đưa ra yêu cầu nào đối với đội ngũ Pi Network và cũng không niêm yết tiền ảo này. Trước đó, một số thông tin cho rằng sàn của ông không vượt qua Xác thực danh tính doanh nghiệp (KYB) mà Pi Network đưa ra nên không thể niêm yết token.
"Nếu dự án hợp pháp và thẳng thắn, họ nên đứng ra minh bạch các báo cáo để mọi người hiểu. Nhưng thay vào đó, họ lại chọn bịa đặt và thực hiện những cuộc tấn công vô căn cứ", ông nhấn mạnh. "Vâng, tôi vẫn nghĩ họ là kẻ lừa đảo, Bybit sẽ không niêm yết các vụ lừa đảo".
Dự án Pi Network bắt đầu mở mạng chiều 20/2. Theo thống kê của BeinCrypto, với nguồn cung lưu hành 6,3 tỷ token và giá ban đầu khoảng 2 USD, tổng giá trị airdrop của Pi Network hiện đạt 12,6 tỷ USD, tức gần gấp đôi đợt airdrop của Uniswap năm 2020 với 6,43 tỷ USD. Trong lĩnh vực tiền số, airdrop là thuật ngữ chỉ phát coin hoặc token miễn phí cho người dùng trước khi mở mạng.
Ngay khi niêm yết, giá tiền Pi lập tức "nhảy múa". Từ mức 2 USD, token thậm chí lên hơn 3 USD trên một số sàn ngày 20/2. Tuy nhiên, tiền ảo này sau đó sụt xuống 0,9 USD, lên 2,1, xuống 1,4, rồi lại tăng 1,7 USD nhưng hiện chỉ còn 0,79 USD. Như vậy, so với giá niêm yết, token này giảm hơn nửa giá trị sau chưa đến một ngày.
Pi Network là dự án ra đời từ năm 2019, được quảng cáo là giúp người dùng sở hữu tiền ảo Pi miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại điểm danh mỗi ngày. Ngày 12/2, khi Pi Network công bố kế hoạch Open Network, cho phép người chơi giao dịch Pi ra bên ngoài, ông Zhou lập tức tuyên bố không niêm yết tiền số này. Ông nhắc đến việc từng gặp rắc rối do bị người lớn tuổi đòi lại tiền khi thua lỗ, đăng kèm cảnh báo từ chuyên gia Haotian của CryptoInsight.
Haotian cho rằng Pi Network đặc biệt phổ biến ở các thị trường có trình độ hiểu biết về tài chính chưa cao, cùng những khẩu hiệu kiểu "một Pi bằng một Bitcoin" đã góp phần khiến nhiều người hiểu sai về giá trị thực sự của nó. Phản ứng của thị trường với việc niêm yết một đồng tiền số càng dữ dội, càng cho thấy chúng có nhiều vấn đề.
Bybit là sàn giao dịch tiền số có khối lượng giao dịch đứng thứ hai thị trường chỉ sau Binance, theo thống kê của CoinMarketCap. Binance - sàn tiền số lớn nhất thế giới - đang thăm dò ý kiến cộng đồng về việc có nên niêm yết Pi Network từ 13/2, nhưng hiện chưa có thông báo mới.
Trước khi mở mạng, nhiều người chơi Pi Network từng mong đợi giá tiền ảo này sẽ rất cao. Họ kêu gọi đặt "giá đồng thuận" cho mỗi Pi từ 500 đến 1.000 USD và yêu cầu "không được phá giá". Thậm chí, có cộng đồng hình thành cái gọi là GCV (Global Consensus Value - giá trị đồng thuận toàn cầu) của Pi ở mức 314.159 USD.
Tuy nhiên, theo OneSafe, những con số kể trên là "không tưởng". PCT thông báo tổng cung tối đa là 100 tỷ Pi. Trong khi đó, nguồn cung ban đầu được dự tính khoảng 6 tỷ Pi được đưa ra thị trường sau khi mở mạng. "Nếu Pi có giá như cộng đồng kỳ vọng, vốn hóa của nó sẽ ở mức không tưởng, không có cơ sở thực tế hay dữ liệu thị trường để chứng minh", Nam Nguyên, người có 4 năm tham gia thị trường tiền số, bình luận.
"Đã có quá nhiều lời cường điệu về Pi Coin và Pi Network kể từ khi ra mắt. Dự án này chỉ tồn tại nhờ sự cường điệu của nó bằng cách sử dụng cảm xúc của các nhà đầu tư, giống như Hamster Kombat", Crypto Times bình luận. "Tuy nhiên, theo thời gian, mọi người sẽ kiểm tra thực tế xem Pi có phải là một con ngựa đua đường dài hay không".
Duy Phong
- Vì sao Pi Network gây tranh cãi nhiều hơn tiền số khác?
- Chủ sàn giao dịch từ chối niêm yết Pi
- Nguy cơ 'bơm xả' khi giá tiền ảo Pi 'ghi nợ' tăng đột biến
- Giá tiền ảo Pi 'nhảy múa' sau khi mở mạng
- Vì sao Pi Network gây tranh cãi nhiều hơn tiền số khác?
- Chủ sàn giao dịch từ chối niêm yết Pi
- Nguy cơ 'bơm xả' khi giá tiền ảo Pi 'ghi nợ' tăng đột biến
- Giá tiền ảo Pi 'nhảy múa' sau khi mở mạng