Giá điện vẫn được điều chỉnh 3 tháng một lần

Giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, theo Nghị định của Chính phủ.


Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Chính phủ ban hành tại Nghị định 72, ngày 28/3. Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vẫn được giữ 3 tháng một lần như hiện nay. Tức là, mỗi năm có thể sẽ có 4 đợt thay đổi giá.


Cùng với đó, Nghị định quy định giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá sẽ giảm tương ứng.


Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp được điều chỉnh khi chi phí sản xuất biến động 2% trở lên. Mức này cũng thấp hơn so với quy định 3% áp dụng trước đó.


Cuối năm ngoái, khi lấy ý kiến về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với mức 3% đang áp dụng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó trong dự trù và cân đối chi phí.


Cũng theo Nghị định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng dưới 5%. Song, biên độ điều chỉnh được nới rộng 2-5%, thay vì 3-5% như hiện tại.


Thẩm quyền điều chỉnh giá của Bộ Công Thương vẫn như hiện nay, khi giá bình quân tăng 5-10%. Còn chi phí thay đổi trên 10%, Thủ tướng quyết định việc tăng giá.


Nghị định cũng bổ sung cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện đa mục tiêu (như thủy điện Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La...) và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này được xác định không thấp hơn bình quân theo ngày lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng của hai năm trước đó.


Bộ Công Thương từng lý giải việc bổ sung quy định này nhằm phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh. Việc này cũng đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và cơ sở thực hiện.


Hiện giá bán lẻ điện là 2.103,11 đồng một kWh, áp dụng từ tháng 10/2024. Với cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt gồm 6 bậc, mức thấp nhất là 1.893 đồng và cao nhất 3.302 đồng một kWh.


Cuối tháng 3, Chính phủ cũng đưa ra khung giá bán lẻ điện bình quân, với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Các mức này giữ nguyên như quy định từ năm 2023. Khung giá này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân áp dụng hàng năm.


Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố cuối năm ngoái, tổng chi phí sản xuất 2023 của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.


Năm 2023, EVN lỗ hơn 34.245 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.822 tỷ đồng. Trước đó, "ông lớn" ngành điện cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng vào 2022 từ hoạt động này.


Phương Dung









Gia dien van duoc dieu chinh 3 thang mot lan


Gia dien duoc xet thay doi ba thang mot lan, khi chi phi dau vao tang tu 2% tro len, theo Nghi dinh cua Chinh phu.

Giá điện vẫn được điều chỉnh 3 tháng một lần

Giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, theo Nghị định của Chính phủ.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá