Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan, cơ quan điều tra làm rõ, dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại di động của Trần Anh Quang (TGĐ), Hoàng Thị Lê Hạnh (trưởng phòng) và Lê Anh Trung (cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp, Tập đoàn Thuận An) phù hợp với diễn biến hành vi phạm tội và lời khai của các bị can Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An) và những người khác về việc làm hồ sơ “quân xanh”, “quân đỏ” và bổ sung hồ sơ đề xuất tài chính cho Ban QLDA để Liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 trúng thầu Gói thầu số 26, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Theo kết luận điều tra, khoảng tháng 5/2021, khi có thông tin Ban QLDA Tuyên Quang chuẩn bị đấu thầu Gói thầu số 26, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An thống nhất với ông Trần Viết Cương (cựu Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang) về việc cho Tập đoàn Thuận An liên danh với Công ty Hiệp Phú và Công ty Licogi 14 tham gia đấu thầu, thi công.
Sau khi thỏa thuận, thông đồng với ông Cương về việc cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu từ trước khi đấu thầu, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới phối hợp làm hồ sơ “quân xanh”, “quân đỏ”, đổi hồ sơ đề xuất tài chính sau ngày đóng, mở thầu để Tập đoàn Thuận An và liên danh trúng thầu.
Bị can Nguyễn Duy Hưng
Cụ thể, ngày 23/7/2021, trước khi Tổ chuyên gia chấm vòng 2 (hồ sơ đề xuất tài chính), người của Liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 đến gặp và đưa cho ông Phạm Quang Giang (cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính, Ban QLDA Tuyên Quang) bộ hồ sơ đề xuất tài chính đã hoàn thiện để thay thế bộ hồ sơ đề xuất tài chính cũ.
Sau đó, ông Giang mang sang phòng làm việc của Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang báo cáo. Được sự đồng ý và chỉ đạo của ông Cương, ông Giang cùng một người khác bóc niêm phong, đổi hồ sơ đề xuất tài chính mới.
Căn cứ kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (chấm thầu vòng 1) và hồ sơ đề xuất tài chính (chấm thầu vòng 2) đối với 3 nhà thầu tham gia dự thầu của Tổ chuyên gia đấu thầu, ngày 6/8/2021, giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang ký văn bản thông báo kết quả đấu thầu và quyết định phê duyệt Liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 trúng thầu.
Lý do 2 nhà thầu "quân xanh" tham gia đấu thầu gồm Công ty Tự Lập và Liên danh Công ty 68 - Vinadelta không trúng thầu là vì không đáp ứng yêu cầu năng lực tài chính và kinh nghiệm, năng lực nhân sự chủ chốt để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mở thầu.
Ngoài ra, Liên danh Công ty 68 - Vinadelta không đáp ứng yêu cầu về máy móc, thiết bị của Ban QLDA về việc làm rõ hồ sơ dự thầu (loại từ vòng 1), đúng với “kịch bản” của Tập đoàn Thuận An và Liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 khi xây dựng hồ sơ “quân xanh” dự thầu.
Quá trình thi công, theo thỏa thuận, ông Nguyễn Duy Hưng thu 4 tỷ đồng ngoài hợp đồng của các nhà thầu (2 tỷ đồng của Công ty Đức Trung, 2 tỷ đồng của Công ty 459).
Ngoài ra, để có tiền chi cho chủ đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An đã gửi giá, thu tổng số hơn 5 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của nhà cung cấp vật liệu, thi công nổ mìn.
Tiếp đó, theo chỉ đạo của ông Hưng, Tập đoàn Thuận An đã chi cho ông Cương tổng số 8 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Cương còn nhận 4,5 tỷ đồng từ 2 nhà thầu liên danh. Tổng cộng, cựu Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang nhận từ 3 nhà thầu liên danh là 12,5 tỷ đồng.
Sai phạm tại dự án cầu Đồng Việt
Tại Bắc Giang, năm 2021, UBND tỉnh giao cho Ban QLDA nghiên cứu phương án, đề xuất chủ trương đầu tư dự án cầu Đồng Việt.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Duy Hưng dùng mối quan hệ để tác động ông Dương Văn Thái (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang), Nguyễn Văn Thạo (Giám đốc Ban QLDA) tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được trúng thầu.
Cầu Đồng Việt nối hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Ảnh: Bảo Khánh
Theo kết luận điều tra, quá trình làm hồ sơ mời thầu, do Tập đoàn Thuận An không đủ hồ sơ năng lực thi công cầu dây văng nên ông Hưng và đồng phạm đã lập khống hợp đồng thầu phụ và xác nhận thi công cầu dây văng.
Sau khi trúng thầu, ông Hưng và ông Thạo thỏa thuận, thống nhất để Tập đoàn Thuận An thay mặt liên danh nộp tiền “cơ chế” cho Ban QLDA tương đương 3% giá trị gói thầu trước thuế.
Trên thực tế, vì không đủ năng lực đấu thầu thi công cầu Đồng Việt, tháng 1/2022, ông Hưng đã mời 3 doanh nghiệp khác tham gia liên danh.
Các bên thống nhất phân chia cho Tập đoàn Thuận An thi công phần cầu, lắp đặt cáp, dây văng, phụ kiện, hệ thống chiếu sáng, chiếm tỷ lệ 47% giá trị gói thầu.
Để có tiền chi cho gói thầu, ông Hưng yêu cầu đối tác phải nộp tiền phí ngoài hợp đồng. Ông Hưng đã thu tổng cộng hơn 92 tỷ đồng tiền phí ngoài hợp đồng của các nhà thầu.
Ngoài ra, quá trình thi công, ông Hưng còn gửi giá, thu hơn 4,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào.
Theo cơ quan điều tra, sau mỗi lần tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán và thu tiền ngoài hợp đồng, ông Hưng chỉ đạo Tập đoàn Thuận An cùng liên danh đưa cho ông Thạo tổng số 11 tỷ đồng.

Mối thân tình, các bữa cơm kết nối phi vụ trăm tỷ của ông chủ Tập đoàn Thuận An
Thông qua mối quan hệ thân thiết và các bữa cơm thân mật, ông chủ Tập đoàn Thuận An đã được giới thiệu thực hiện nhiều dự án giao thông. Sau đó, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi sai phạm.
Những tình tiết giảm nhẹ trong vụ án Tập đoàn Thuận An
Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thể hiện, các bị can trong vụ án Tập đoàn Thuận An thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra; tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả; có nhiều thành tích trong công tác.