Thủ tướng: Sẽ phát động phong trào cả nước làm giàu

Khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đang xây dựng kịch bản Phát động phong trào cả nước thi đua làm giàu.


Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 66 về đổi mới xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành, địa phương và 1,5 triệu đại biểu từ hơn 37.000 điểm cầu của các cơ quan, đơn vị.


Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị tập trung vào hoàn thiện thể chế, pháp luật để thực hiện thành công các định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68. Hai nghị quyết này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.


Trình bày chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "thương trường là chiến trường", do đó nhà điều hành cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nhân, doanh nghiệp.


Theo Thủ tướng, Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát kinh tế tư nhân. Trong đó, xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng xin - cho, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân, coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.


"Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực", ông nói.


Xóa bỏ định kiến, tạo động lực tối đa cho doanh nghiệp tư nhân


Thủ tướng cho rằng cần xóa bỏ mọi rào cản, tư duy không quản được thì cấm để phát triển kinh tế tư nhân, tăng hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Theo ông, Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo bằng cách xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên.


"Muốn ưu tiên ngành nào, phải có chính sách đặc thù ngành đó", ông nói, dẫn chứng trường hợp muốn phát triển ôtô điện, hay điện gió, điện mặt trời thì cần cơ chế ưu tiên hỗ trợ về năng lượng, chuyển giao công nghệ.


Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, cho biết những bức xúc, trói buộc từ cơ chế với kinh tế tư nhân bao năm qua đã được Bộ Chính trị "giải phóng" bằng Nghị quyết 68, và nhiều nghị quyết khác của Quốc hội, Chính phủ.


"Chúng tôi muốn cống hiến nhưng do nhiều cơ chế không làm được. Nhiều lúc bị bó tay, bó chân", ông Tiền nêu.


Song doanh nhân này cũng bày tỏ băn khoăn việc thực thi các nghị quyết thời gian tới. Ông đề nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chính phủ giao một cơ quan độc lập để giám sát, đánh giá việc thực thi, tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.


Phản hồi ý kiến này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68, trong đó phân công, giao việc rõ cho các bộ ngành. Thủ tướng mong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng quyết tâm "đã hứa phải làm, cam kết phải thực hiện và làm có kết quả cụ thể".


Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Lan Hưng - đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội - nêu bất cập hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là hộ sản xuất, không có đất để kinh doanh. Bởi theo ông Toàn, tất cả khu công nghiệp phải từ 1 ha trở lên mới cho thuê và số tiền thuê lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực.


Thủ tướng chia sẻ băn khoăn của doanh nghiệp và cho biết Nghị quyết 68 đã có mục riêng về hỗ trợ đất đai, vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông nói thêm Chính phủ sẽ ban hành nghị định để cụ thể hóa tiếp cận đất đai, Ngân hàng Nhà nước có thông tư hướng dẫn việc tiếp cận vốn.


"Chủ trương rất rõ, các đại biểu yên tâm. Việc tổ chức thực hiện sẽ có hướng dẫn cụ thể, phù hợp", Thủ tướng phát biểu.


Sẽ phát động phong trào "cả nước thi đua làm giàu"


Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 50% GDP, trên 30% ngân sách Nhà nước. Từ khoảng 5.000 đơn vị vào 1990, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng lên gần 1 triệu vào cuối 2024.


Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 68, tinh thần lan tỏa rất lớn, phong trào khởi nghiệp được đẩy lên cao.


Ông tiết lộ Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xây dựng kịch bản Phát động phong trào cả nước thi đua làm giàu thời gian tới, ngay sau khi các nghị quyết về kinh tế tư nhân được thực thi.


Song Thủ tướng cũng thừa nhận còn một số tồn tại, hạn chế khiến khu vực tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia.


Chẳng hạn, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào 2025 chưa đạt được. Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 70% là siêu nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả và kỹ năng quản trị còn hạn chế.


Một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thiếu tầm nhìn chiến lược, đạo đức, văn hóa kinh doanh. Một số doanh nghiệp còn tham gia vào buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, thao túng thị trường...


Về phía cơ quan quản lý, theo Thủ tướng, việc điều hành cũng còn bất cập, nhận thức về kinh tế tư nhân còn hạn chế, cơ chế và chính sách chưa kịp thời, hiệu quả. "Thể chế, pháp luật vẫn là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn', gây cản trở phát triển kinh tế tư nhân", Thủ tướng nhắc lại.


Đơn cử, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 70/190 quốc gia, thấp hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore.


Ông nhìn nhận một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được sửa kịp thời, thủ tục trong một số lĩnh vực còn phức tạp, thiếu minh bạch. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khó thực hiện như hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển, ưu đãi thuế, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.


Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương hiệu quốc tế


Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm kinh tế tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần khác; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu.


Theo Thủ tướng, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Chẳng hạn, một chiếc áo sản xuất với cùng nguyên liệu nhưng chỉ cần thương hiệu khác nhau là giá chênh hàng chục lần.


"Cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế", Thủ tướng nói.


Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới những giải pháp về khoa học công nghệ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Cùng với đó, nhà điều hành cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.


Chẳng hạn trong phát triển khoa học công nghệ, FPT là một trong số tập đoàn tiên phong đầu tư nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ, viễn thông, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam từ 2013 để phục vụ quốc gia, doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy kinh tế tư nhân, đất nước phát triển.


Theo ông, vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể cần được tăng cường; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Việc này, theo ông, sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân.


Phương Dung









Thu tuong: Se phat dong phong trao ca nuoc lam giau


Khang dinh khu vuc kinh te tu nhan la mot dong luc quan trong cua nen kinh te, Thu tuong Pham Minh Chinh cho biet dang xay dung kich ban Phat dong phong trao ca nuoc thi dua lam giau.

Thủ tướng: Sẽ phát động phong trào cả nước làm giàu

Khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đang xây dựng kịch bản Phát động phong trào cả nước thi đua làm giàu.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá