Đồng nhân dân tệ chạm đáy
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vừa rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm so với đồng USD, làm dấy lên lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Trên thị trường nội địa, tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm xuống 7,35 nhân dân tệ một USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007 và chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với mức 7,351 nhân dân tệ một USD được ghi nhận hồi tháng 9/2023.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng ấn định tỷ giá tham chiếu ở mức 7,2066 nhân dân tệ một USD, thấp hơn so với mức 7,2038 nhân dân tệ một USD trong phiên liền trước.
Tỷ giá tham chiếu do PBOC ấn định, thường được xem là tỷ giá "neo", là công cụ chính sách quan trọng để định hướng biến động của đồng nhân dân tệ trên thị trường.
Trong nhiều tháng qua, PBOC duy trì sự ổn định cho tỷ giá này, nhưng gần đây đã bắt đầu điều chỉnh giảm khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng cao "ngất ngưởng" đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ đã quyết định tăng thêm 50% thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc, nghĩa là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị áp thuế 104% kể từ 0h ngày 9/4 theo giờ Washington sau khi Bắc Kinh từ chối dỡ bỏ thuế quan trả đũa.
Ban đầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10%, không có ngoại lệ, đối với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 2. Mỹ cáo buộc Trung Quốc có vai trò trong việc hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp và đưa fentanyl vào Mỹ. Tháng trước, ông Trump đã tăng gấp đôi mức thuế đó lên 20%.
Hôm 2/4, ông Trump công bố áp bổ sung 34% thuế quan đối ứng đối với Trung Quốc, nâng mức thuế đánh vào hàng hóa của nước này lên 54%. Đầu tuần này, chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục dọa áp thêm 50% thuế quan, lên 104%.
Đáp trả, Bộ Tài chính Trung Quốc vừa thông báo Trung Quốc sẽ áp thuế 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4.
Trung Quốc liệu có phá giá đồng nội tệ?
Đồng nhân dân tệ yếu đi giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế, từ đó có thể phần nào bù đắp tác động tiêu cực từ các mức thuế mới.
Các chuyên gia dự báo đồng nhân dân tệ sẽ còn chịu áp lực giảm giá trong thời gian tới, nhất là khi kỳ vọng gia tăng về việc PBOC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chọn cách làm suy yếu dần dần đồng nhân dân tệ thay vì một đợt phá giá đột ngột, vốn có thể gây ra những tác động mất ổn định nghiêm trọng đến nền kinh tế.
"Theo kịch bản cơ sở của chúng tôi, đồng nhân dân tệ mất giá từ từ thay vì một sự điều chỉnh đột ngột và mạnh mẽ", bà Kaanhari Singh, Trưởng bộ phận chiến lược tài sản châu Á tại Barclays, nhận định trong báo cáo.
"Mức độ phá giá của đồng nhân dân tệ cũng sẽ phụ thuộc vào việc thuế quan được Mỹ áp dụng đối với các quốc gia khác như thế nào", ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, nhấn mạnh với FT.
Ông cũng bổ sung rằng đồng tiền sẽ chịu một số áp lực nếu các quốc gia khác thành công trong việc đàm phán để giảm mức thuế quan.

Các chuyên gia trên toàn cầu cũng bày tỏ lo ngại rằng trong trường hợp xấu nhất, một đợt phá giá mạnh của Trung Quốc có thể kích hoạt hiệu ứng domino về phá giá cạnh tranh từ các nền kinh tế thương mại khác.
"Nếu Trung Quốc phá giá từ 10-15%, đó sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu vì nó sẽ kích hoạt làn sóng phá giá ở mọi nơi khác", người sáng lập một quỹ đầu cơ châu Á cảnh báo.
Động thái nới kiểm soát tỷ giá đồng nội tệ của PBOC được giới phân tích nhận định là một nỗ lực nhằm phần nào bù đắp thiệt hại trong hoạt động xuất khẩu, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Nếu được thực hiện ở mức độ vừa phải, việc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Điều này vừa khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn, vừa có thể giảm số thuế mà các mặt hàng này phải chịu.
Tuy nhiên một số nhà phân tích và kinh tế học lo ngại rằng nếu PBOC hạ giá quá mạnh có thể đe dọa sự ổn định tài chính và kích thích dòng vốn chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh hiện tại của PBOC vẫn nhẹ tay hơn dự báo của giới phân tích, cho thấy Bắc Kinh chưa sử dụng tới biện pháp phá giá mạnh đồng nội tệ nhằm đối phó toàn diện với các đòn thuế từ Mỹ.