Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 99,5-101,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,1 triệu đồng mỗi chiều so với giá kết phiên tuần trước.
Giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 99-101,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 800.000 đồng mỗi chiều. Ở một số thương hiệu tư nhân, giá vàng nhẫn tròn trơn thậm chí được niêm yết sát mốc 102 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là mức cao nhất từng ghi nhận của mặt hàng này trên thị trường.
Hàng trăm lượt khách mua vàng khi giá lập đỉnh
Theo khảo sát của phóng viên , trong ngày giá vàng trong nước lập đỉnh, người dân muốn mua vàng miếng tại SJC và các 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) phải đặt trước qua kênh trực tuyến.
Tại một số thời điểm, Công ty SJC vẫn có bán vàng miếng cho khách hàng mà không yêu cầu đặt trước. Một số thương hiệu không thuộc diện ủy thác của Ngân hàng Nhà nước như Mi Hồng tại TPHCM, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải tại Hà Nội... đã bán vàng miếng trở lại. Tuy nhiên, tùy thời điểm mà khách vãng lai có thể mua được do không phải lúc nào cửa hàng cũng sẵn có.
Còn với mặt hàng vàng nhẫn, trong ngày giá lập kỷ lục, các cửa tiệm vẫn có vàng để bán song giới hạn số lượng.
Ghi nhận thị trường Hà Nội, tại một cửa hàng lớn trên đường Cầu Giấy, khách đến xếp hàng dài chờ giao dịch. Bãi giữ xe quá tải, thậm chí có lúc nhân viên bảo vệ phải nhờ khách kiếm chỗ gần đó gửi xe vì không còn chỗ.
Chị Ngọc (quận Cầu Giấy) tranh thủ xin về sớm đi mua 2 chỉ vàng nhẫn. Chị cho biết đến cửa hàng lúc 4h30 nhưng là người xếp thứ 321. Thời điểm đó, cửa hàng đang giao dịch cho khách hàng thứ 300.

Nhân viên cửa hàng cho biết đơn vị này bán giới hạn mỗi khách tối đa 20 chỉ vàng nhẫn. Trước đó, có thời điểm cửa hàng bán giới hạn 1 chỉ vàng nhẫn. Trong thời gian giá liên tục lập đỉnh, cửa hàng ghi nhận hàng trăm khách hàng tới giao dịch. Lượng người mua áp đảo người bán.
Tại thị trường TPHCM, ghi nhận tại một số cửa hàng vàng lớn, dù giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh, nhiều người vẫn xếp hàng chờ mua. Một số cửa hàng thậm chí phải thông báo hết hàng hoặc chỉ bán ra với số lượng giới hạn để đảm bảo nguồn cung.
Chị Thu Hằng (quận 8, TPHCM) chia sẻ chị tìm mua vàng từ đầu giờ trưa nay, đi đến cửa hàng thứ 3 mới mua được 1 chỉ vàng. Các cửa hàng vàng tư nhân như Doji, PNJ đều báo hết vàng nhẫn, không nhận đặt cọc trước. "Giá cao quá nhưng sợ mai còn tăng nữa nên tôi vẫn mua", chị Hằng nói.
Dù giá vàng nhẫn vượt 101 triệu đồng/lượng, nhiều người vẫn quyết định mua vì lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng. Một số khách hàng cho biết họ chấp nhận mức giá cao vì coi vàng là kênh tích trữ an toàn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.
Anh Văn Khiêm (Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: "Giá quá cao, nhưng tôi vẫn mua vì lo ngại nếu chờ thêm, giá còn tăng nữa. Vàng là tài sản giữ giá, dù cao nhưng vẫn an toàn để tích trữ".

Chuyên gia: Chỉ nên đầu tư chứ không nên đầu cơ vàng
TS Ngô Minh Vũ, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định vàng trước đây chủ yếu đóng vai trò là kênh tích trữ giá trị, không phải kênh đầu tư chủ động. Tuy nhiên, trong năm qua và đầu năm nay, vàng đã trở thành một kênh đầu cơ trong bối cảnh diễn biến giá phức tạp. Khi điều này xảy ra, nhiều nhà đầu tư bị chi phối bởi tâm lý đám đông, khiến giá vàng bị đẩy lên cao, trong khi yếu tố cung - cầu chỉ đóng vai trò một phần.
Hiện nay, giá vàng trong nước đã chạm mốc hơn 100 triệu đồng/lượng. Dự báo, xu hướng tăng vẫn có thể tiếp diễn nhưng sẽ xoay quanh mức giá này. Vị chuyên gia nhấn mạnh, vàng vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với những biến động ngắn hạn, đặc biệt là trên thị trường trong nước.
Ông cũng lưu ý rằng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, tâm lý đầu tư và các yếu tố cung - cầu nội địa sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của đợt tăng giá này đến thị trường vàng Việt Nam.
Thay vì tập trung tích trữ vàng, người dân nên tập trung vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, tận dụng các cơ hội do Việt Nam đang ở top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh của toàn cầu, trung tâm thu hút FDI, mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Nên dần thay đổi tâm lý tích lũy vàng chuyển sang đầu tư kinh doanh và khởi nghiệp sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững", ông nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng vì trên thế giới, sản lượng vàng khai thác mỗi năm tăng khoảng 1,5%, trong khi cung tiền của thế giới tăng khoảng 3,5%. Về mặt dài hạn, lượng tiền tăng cao hơn lượng vàng tăng nên giá khó có thể giảm.
Vị chuyên gia nhận định giá vàng thế giới đã đạt mốc kỷ lục trong những phiên gần đây chủ yếu do lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ, chính sách trả đũa của các nước khác làm cho kinh tế của Mỹ và một số nước có thể tăng chậm lại, lạm phát tăng lên.
"Kinh tế thế giới có thể tăng chậm lại 0,3%, lạm phát có thể tăng thêm 5% so với dự báo ban đầu. Sức ép với kinh tế Mỹ khá lớn khiến đồng USD có thể giảm sâu. Khi đó, vàng sẽ tăng giá", ông Nghĩa cho hay.
Từ nay đến cuối năm, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất khoảng 2 lần, mỗi lần giảm 0,25% thì lãi suất của Mỹ vẫn ở mức tiệm cận 4%. Vấn đề địa chính trị hiện hữu vẫn phức tạp nên các nhà đầu tư lo ngại và tìm đến vàng như nơi trú ẩn an toàn.
Trong nước, do chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng độc quyền xuất nhập khẩu vàng nên giá trong nước với giá thế giới không hoàn toàn liên thông với nhau, phụ thuộc lớn vào nguồn cung qua các kênh phi chính thức. Điều này đẩy giá vàng trong nước tăng cao hơn giá thế giới.
Giá lập kỷ lục nhiều ngày liên tiếp khiến vàng càng hấp dẫn nhiều người như một loại tài sản đầu tư. Tuy nhiên, chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần quan sát các biến động địa chính trị, động thái mua của các ngân hàng trung ương thế giới, lực cầu vàng vật chất từ Ấn Độ, Trung Quốc để đưa ra các quyết định mua hay bán sao cho phù hợp.
Theo ông Nghĩa, dự báo giá vàng trong ngắn hạn rất khó, không phù hợp với đa số người dân nên chỉ nên đầu tư chứ không nên đầu cơ.