Theo báo cáo của Chi cục Thống kê TP HCM, ngành dịch vụ địa phương sôi động trong tháng 4 khi các chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước được triển khai quy mô lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt tăng trên 86% và gần 97% so với cùng kỳ. Nhiều khách sạn tại trung tâm TP HCM kín phòng cho thuê trong tuần cao điểm dịp lễ 30/4. Dịch vụ lữ hành nhờ đó thu về hơn 7.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và 10 lần so với tháng 4 của các năm trước (2021, 2022 và 2023).
Doanh thu vận tải hành khách cũng tăng gần 60% so với cùng kỳ. Dịp cao điểm lễ 30/4-1/5, trung bình mỗi ngày cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 750 chuyến bay, với khoảng 122.000 hành khách. Ngoài ra, nhiều sự kiện quy tụ đông người dân, du khách cũng giúp bán lẻ khởi sắc, tăng xấp xỉ 29%.
Ngoài dịch vụ, công nghiệp cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP HCM, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp chủ động đẩy nhanh tiến độ sản xuất đơn hàng trước thời hạn 90 ngày hoãn thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump, nhằm hạn chế rủi ro, chi phí và thuế quan bất lợi.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP HCM ước tăng 20%. Riêng lưu trú, ăn uống tăng 42,2% và du lịch lữ hành 38,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng xấp xỉ 8% - mức cao nhất 4 năm qua. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng hơn 78% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Chi cục Thống kê, môi trường kinh doanh của địa phương chưa chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp mới tham gia thị trường giảm 23,5%, trong khi lượng rút lui tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Viễn Thông