Đỉnh mới tái lập sau hơn 3 năm, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long bứt phá

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh, đưa tài sản ông Trần Đình Long lên 2,4 tỷ USD. Thanh khoản bùng nổ kéo VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, với các cổ phiếu trụ cột như Vingroup, Vinhomes và ngân hàng bứt phá.


Cổ phiếu trụ cột bùng nổ, khối ngoại miệt mài mua


Ngày 7/7, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một phiên giao dịch sôi động, với chỉ số VN-Index tăng hơn 15 điểm (gần 1,1%), chinh phục thành công ngưỡng 1.400 điểm sau hơn ba năm. Động lực chính đến từ sự bứt phá của các cổ phiếu trụ cột, trong đó có cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, do ông Trần Đình Long làm chủ tịch. Cổ phiếu HPG tăng thêm 1,5%, đạt mức 23.600 đồng/cổ phiếu, tiếp nối chuỗi tăng ấn tượng với 8/10 phiên tăng giá gần đây, đưa cổ phiếu này lên vùng cao nhất trong ba năm.


Theo Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long tính đến ngày 7/7 đạt 2,4 tỷ USD, xếp thứ 1.604 trên thế giới, tăng 100 triệu USD so với một tuần trước.


Sức hút của HPG được thể hiện qua dòng tiền từ khối ngoại. Trong phiên 7/7, nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 9 triệu cổ phiếu HPG, trong khi chỉ bán ra gần 2,5 triệu cổ phiếu. Động thái này trùng hợp với thông tin Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, cùng với việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) lên tới 27,83% đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.


Nhiều cổ phiếu ngành thép khác cũng tăng mạnh. Tôn Hoa Sen (HSG) tăng gần 2,4% lên 17.350 đồng/cp; TVN tăng gần 2,8%; VGS tăng 2,45%...


Bên cạnh HPG, các cổ phiếu trụ cột khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh mẽ, với cổ phiếu Ngân hàng SHB do ông Đỗ Quang Hiển làm chủ tịch tăng kịch trần thêm 900 đồng (+6,92%) lên 13.900 đồng/cổ phiếu, nhờ tín hiệu kết quả kinh doanh tốt và trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống khả quan trong 6 tháng đầu năm 2025.


Nhóm cổ phiếu họ Vingroup cũng không kém phần nổi bật, với Vingroup (VIC) tăng 1.100 đồng lên 93.000 đồng/cổ phiếu và Vinhomes (VHM) tăng 900 đồng lên 76.900 đồng/cổ phiếu. Những tin tức tích cực về các dự án lớn của Vingroup đã góp phần nâng giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên 10,2 tỷ USD, xếp hạng 289 thế giới theo Forbes. Sự đồng thuận tăng giá của các cổ phiếu trụ cột đã tạo động lực mạnh mẽ, đưa VN-Index chạm đỉnh lịch sử mới.


Khối ngoại mua rất mạnh không chỉ cổ phiếu HPG mà nhiều cổ phiếu khác, trong đó có nhóm ngân hàng. Đây là phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp. Tuần trước, khối này mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng.


Chứng khoán Việt Nam qua giai đoạn đi ngang, đang hút dòng tiền mạnh. Ảnh: HH

Nhiều tập đoàn lớn hưởng lợi, chứng khoán Việt có triển vọng tích cực


Nhiều cổ phiếu của các tập đoàn lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội tăng khi dòng tiền trong và ngoài nước đang đổ vào.


HPG của Tập đoàn Hòa Phát đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi cả trong nước và quốc tế. Quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức từ ngày 6/7, với mức thuế từ 23,1% đến 27,83% đối với thép HRC nhập từ Trung Quốc, là một trong những động lực chính. Quyết định này giúp giảm áp lực cạnh tranh từ thép giá rẻ Trung Quốc, lên tới 12,6 triệu tấn nhập khẩu trong năm 2024.


Hòa Phát cũng được đánh giá là sẽ hưởng lợi với chiến lược mở rộng sản xuất. Dự án Dung Quất 2 dự kiến sẽ nâng công suất HRC của HPG từ 4 triệu tấn lên 6,8 triệu tấn/năm. Điều này không chỉ giúp HPG đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước mà còn củng cố vị thế dẫn đầu ngành thép.


Một bước tiến chiến lược khác là hợp đồng ký kết với Tập đoàn SMS Group (Đức) vào ngày 29/5 vừa qua, để nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thép ray và thép hình công suất 700.000 tấn/năm. Dự án này, dự kiến hoàn thành vào quý I/2027, sẽ giúp Hòa Phát trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Đông Nam Á sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là lợi thế lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam.


Nhiều tập đoàn lớn khác như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Masan (MSN), Thế Giới Di Động (MWG)… cũng có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân. Nhóm ngân hàng hưởng lợi nhờ chính sách đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đầu tư công.


Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực. Kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong các ngành thép, ngân hàng, và bất động sản, là động lực chính. Đó là sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với mặt bằng lãi suất thấp. Các dự án đầu tư công, như cao tốc và hạ tầng khu công nghiệp, cũng tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nội địa phát triển.


Dòng tiền từ khối ngoại cũng là một điểm sáng. Trong tuần đầu tháng 7/2025, khối ngoại mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng trên thị trường. Tín hiệu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, cùng với các thỏa thuận thương mại như với Mỹ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại.


Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng VN-Index có thể đạt mức trên 1.600 điểm trong năm 2025 trong kịch bản khả quan nhất, với kỳ vọng nâng hạng thị trường, các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng và các bước tiến ngoại giao tích cực tiếp theo.









Dinh moi tai lap sau hon 3 nam, tai san ty phu Pham Nhat Vuong, Tran Dinh Long but pha


Co phieu HPG cua Tap doan Hoa Phat tang manh, dua tai san ong Tran Dinh Long len 2,4 ty USD. Thanh khoan bung no keo VN-Index vuot moc 1.400 diem, voi cac co phieu tru cot nhu Vingroup, Vinhomes va ngan hang but pha.

Đỉnh mới tái lập sau hơn 3 năm, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long bứt phá

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh, đưa tài sản ông Trần Đình Long lên 2,4 tỷ USD. Thanh khoản bùng nổ kéo VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, với các cổ phiếu trụ cột như Vingroup, Vinhomes và ngân hàng bứt phá.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá