Trong tờ trình, Bộ Công an lý giải việc nâng các mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt nhằm bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả tăng lên so với trước đây. Hơn nữa, nâng mức định khung cơ bản với một số tội có định lượng tài sản ở mức thấp (như hai triệu đồng) còn để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại.
Tại khoản 1 Điều 321 (tội Đánh bạc), dự thảo đề xuất người nào đánh bạc trái phép được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 10 đến dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự. Theo luật hiện hành, số tiền là từ 5 đến dưới 50 triệu đồng.
Tương tự với tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322), dự thảo đề xuất mức tiền tối thiểu để bị xử lý hình sự theo khoản 1 cũng tăng từ 50-300 triệu lên 100-600 triệu đồng.
>> Xem chi tiết điều 321, 322 dự kiến sửa đổi tại đây.
Theo dự thảo, khoản 1 Điều 173 (tội Trộm cắp tài sản), người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 5 đến dưới 100 triệu đồng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tại quy định đang áp dụng hiện nay, mức tiền với hành vi này từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng.
Việc đề xuất tăng mức tiền định khung cơ bản này còn áp dụng với nhiều nhóm tội danh khác nhau, như Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Tổ chức đánh bạc, Trộm cắp tài sản...
Ở nhóm tội tham nhũng, khoản a điểm 1 của tội Đưa hối lộ (Điều 364), Môi giới hối lộ (Điều 365) và Nhận hối lộ (Điều 354) được đề xuất tăng mức tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2 triệu lên 5 triệu đồng.
Với tội Nhận hối lộ, số tiền định lượng được đề xuất tăng từ 100 lên 200 triệu đồng. Cụ thể, người nào nhận hối lộ từ 5 đến 200 triệu đồng (Bộ luật Hình sự hiện hành là 2-100 triệu đồng) hoặc dưới 5 triệu đồng (hiện hành là dưới 2 triệu đồng) nhưng đã bị kỷ luật mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án sẽ bị phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Trong 7 điều của nhóm tội phạm về tham nhũng (từ điều 353 đến 359), có 6 điều được dự thảo đề xuất nâng mức định lượng tiền cơ bản để định khung, từ 2 lên 5 triệu đồng. Còn lại, các mức tiền khác để bị quy kết trách nhiệm hình sự theo từng khung hình phạt phần lớn đều đề xuất tăng gấp đôi.
>> Xem chi tiết về mức tiền định lượng dự kiến với nhóm tội tham nhũng tại đây
Đề xuất án tù cao nhất tăng từ 20 lên 30 năm
Bộ luật Hình sự hiện hành có 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, trong đó có Nhận hối lộ, Tham ô tài sản.
Theo đó, khoản 4 Điều 353, 354 (tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ) quy định người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 20 năm đến 30 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án. So với luật hiện hành, dự thảo đề xuất bỏ mức hình phạt tử hình và thay vào đó mức hình phạt cao nhất với hai tội danh này là "tù chung thân không xét giảm án", với lý giải vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung mức hình phạt là 30 năm tù. Đây cũng là một trong những điểm mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, tù có thời hạn có mức tối thiểu là 3 tháng và tối đa 20 năm. Nhưng trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất mức phạt tù tối đa là 30 năm.
Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Dự thảo đề xuất, người bị kết án tù chung thân không xét giảm án về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ có thể được giảm xuống thành tù chung thân. Điều kiện được áp dụng là khi trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với nhà chức trách hoặc lập công lớn.
Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều. So với Bộ luật hiện hành đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bỏ 18 điều, bổ sung 6 điều.
Dự thảo được dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10.
Trong 40 năm qua, Bộ luật Hình sự được ban hành vào các năm 1985, 1999 và 2015 với 8 lần sửa đổi, bổ sung.
=>> Những tội dự kiến không còn án tử hình.
=>> Những tội giữ nguyên án tử hình
Phạm Dự