Đề xuất lãi vay từ Quỹ nhà ở quốc gia thấp hơn 50-70% thị trường

Lo Quỹ nhà ở quốc gia có thể "hết vốn", TS Cấn Văn Lực cho rằng cần phát triển nguồn thu bền vững như cho vay ưu đãi bằng 50-70% lãi suất thị trường.


Đề xuất trên được TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nêu tại tọa đàm giải pháp đảm bảo có ít nhất một triệu căn nhà xã hội, ngày 1/4.


Trước đó, trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào cuối tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc tới việc thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Đầu tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thành lập quỹ này để huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.


TS Cấn Văn Lực cho biết Quỹ nhà ở quốc gia có thể huy động từ 4 nguồn vốn gồm ngân sách, phát hành trái phiếu dành cho dự án nhà xã hội, huy động từ người mua nhà và các tổ chức tài chính trong, ngoài nước. Quỹ này sẽ cho vay với nhóm đủ điều kiện mua nhà xã hội và người trẻ dưới 35 tuổi như chỉ đạo của Thủ tướng. Theo ông, hai nhóm này phải có tích lũy và thu nhập ổn định. Họ có thể nộp một phần tiền tiết kiệm vào quỹ để đảm bảo dòng tiền mua nhà.


Ông nói, việc phát triển Quỹ nhà ở quốc gia cần tính toán đến cấu trúc nguồn vốn. Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông Lực cho rằng tỷ lệ cho vay người mua nhà và chủ đầu tư nên là 70-30.


Trước quan ngại Quỹ nhà ở quốc gia có thể "hết tiền" vì chưa rõ ràng nguồn thu, ông Lực cho rằng cần phát triển theo nguyên tắc "lấy mỡ nó rán nó". Tức là quỹ cần có cơ chế phát triển vốn bền vững, không chỉ dừng ở việc chi. Nguồn thu này có thể lấy từ chính phí bảo lãnh chủ đầu tư, người mua nhà hoặc từ cho vay với lãi suất ưu đãi bằng 50-70% mức lãi thị trường.


Hiện nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5,5-6%, áp dụng cho 6-12 tháng đầu. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ 3,5-4%. Còn nhóm ngân hàng cổ phần cho vay lãi suất thả nổi khoảng 10-11% một năm. Như vậy, với đề xuất lãi vay bằng 50-70% thị trường, lãi ưu đãi của Quỹ nhà ở quốc gia vào khoảng 5-7%.


Cùng quan điểm ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng Quỹ nhà ở quốc gia nếu chỉ dùng để xây nhà xã hội sẽ "không đủ". Bởi vốn cấp cho quỹ từ ngân sách mang tính chất là "vốn mồi", khó đáp ứng quy mô phát triển nhà xã hội với mục tiêu ít nhất 1 triệu căn đến 2030.


"Quỹ nhà ở quốc gia cần xây dựng cơ chế thu chi rõ ràng, có thể ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư sau đó thu lại", ông Bình cho hay.


Ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ này đang đề xuất xây dựng Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính ngoài ngân sách do Thủ tướng thành lập, hoạt động không vì lợi nhuận.


Theo ông, đây sẽ quỹ của Nhà nước dành phát triển nhà cho thuê, học tập từ mô hình của nhiều quốc gia trên thế giới. Quỹ nhà ở này sẽ hỗ trợ cấp bù lãi suất chênh lệch cho chủ đầu tư.


Liên quan đề xuất tăng mức lợi nhuận xây nhà ở xã hội lên 13%, đại diện Bộ Xây dựng cho hay ý tưởng trên dựa trên kiến nghị của nhiều địa phương và chủ đầu tư nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích. Việc tăng định mức lợi nhuận có thể khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển dự án, tuy nhiên ông Hải lưu ý "giá bán nhà xã hội có thể tăng theo".


Góp ý đề xuất trên của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho rằng "nên giữ định mức 10%" như quy định cũ. Ông nói, đặt trong bối cảnh trước đây, doanh nghiệp xây nhà xã hội gặp nhiều vướng mắc pháp lý, tốn chi phí. Quy định yêu cầu hạch toán tổng thể dự án nên chủ đầu tư chỉ được hưởng 10% lợi nhuận trên toàn quỹ đất.


Hiện nay, với những đột phá về chính sách phát triển nhà xã hội, ông Đỉnh cho rằng mức trần lợi nhuận 10% là phù hợp. Bởi lãi định mức chỉ tính cho quỹ đất xây nhà xã hội, còn lại phần 20% làm thương mại dịch vụ được miễn tiền thuê đất và doanh nghiệp được hưởng toàn bộ lợi nhuận phần này. Nếu làm nhà ở thương mại, chủ đầu tư sẽ phải nộp tiền thuế đất.


Theo đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, đến năm 2024 cả nước phát triển 130.000 căn. Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy dù nỗ lực, các địa phương chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.


Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết việc phát triển nhà xã hội đã được bàn nhiều nhưng triển khai chưa hiệu quả. Thủ tướng nói, có thể giao dự án trực tiếp cho doanh nghiệp, không cần qua đấu thầu, miễn đảm bảo công khai, minh bạch.


Trước đó, Thủ tướng đã giao chỉ tiêu cả nước cần xây xong hơn 100.000 căn nhà xã hội trong năm nay. Bắc Ninh và Hải Phòng có chỉ tiêu cao nhất, vượt 10.000 căn mỗi địa phương. Với Hà Nội và TP HCM, chỉ tiêu hoàn thành nhà xã hội năm nay lần lượt 4.670 căn và gần 2.900 căn.


5 năm tới, cả nước cần đạt mục tiêu hơn 995.000 căn hộ. Trong đó, Hà Nội cần hoàn thành gần 45.000 căn, còn TP HCM khoảng 67.000 căn.



Ngọc Diễm









De xuat lai vay tu Quy nha o quoc gia thap hon 50-70% thi truong


Lo Quy nha o quoc gia co the "het von", TS Can Van Luc cho rang can phat trien nguon thu ben vung nhu cho vay uu dai bang 50-70% lai suat thi truong.

Đề xuất lãi vay từ Quỹ nhà ở quốc gia thấp hơn 50-70% thị trường

Lo Quỹ nhà ở quốc gia có thể "hết vốn", TS Cấn Văn Lực cho rằng cần phát triển nguồn thu bền vững như cho vay ưu đãi bằng 50-70% lãi suất thị trường.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá