TS Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, trả lời VnExpress như trên, sau các buổi làm việc với 21 trường của Mỹ trong khuôn khổ chương trình hợp tác học thuật quốc tế (IAPP) cuối tuần trước.
Ông Đạm nhìn nhận phát triển vi mạch bán dẫn đang là mối quan tâm trên thế giới. Nhiều đại học muốn hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới để đào tạo sinh viên. Ở Việt Nam, ông lo ngại khi đào tạo thiết kế vi mạch đang phát triển nóng, có phần tự phát vì "nhà nhà, trường trường mở ngành".
Tham gia phản biện chương trình ngành này ở một số đại học, ông nhận thấy chất lượng đào tạo của các trường chưa đồng đều. Nhiều trường mở ngành nhưng chưa tìm được "điểm gặp nhau" với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, phần lớn chương trình đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn được phát triển trên nền tảng của ngành Điện - Điện tử, Điện tử viễn thông, Khoa học máy tính, cộng một số môn chuyên ngành. Do đó, ông Đạm gợi ý các trường hợp tác với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tế, giúp sinh viên và nơi sử dụng lao động rút ngắn thời gian đào tạo lại.
"Chúng ta phải cẩn trọng, tránh xảy ra trường hợp đào tạo quá nhiều rồi khi ra trường các em không có việc làm", ông nói.
Ở Việt Nam, ông Đạm ước tính hơn 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch với khoảng 6.000 kỹ sư. Riêng Marvell có khoảng 480 người, mỗi năm cần tuyển thêm 100 kỹ sư.
Theo ông, để đáp ứng nhu cầu của số doanh nghiệp này, Việt Nam cần thêm 2.000-3.000 kỹ sư vi mạch mỗi năm. Con số này tương đồng với kế hoạch của Chính phủ - đến năm 2030 cả nước sẽ có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 người trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.
Hiện, cả nước có khoảng 20 trường đại học đào tạo ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn, học phí khoảng 16-78 triệu đồng một năm.
Ông Đạm đánh giá các kỹ sư mới ra trường có nền tảng chuyên môn tốt. Ở Marvell, kỹ sư người Việt có thể tham gia tất cả công đoạn trong thiết kế vi mạch.
"Sinh viên nước mình giỏi và đặc biệt có hiểu biết về khoa học, kỹ thuật. Sau 2-3 năm làm việc thì kỹ sư Việt Nam không thua kém gì các bạn nước ngoài", ông nhận định.
Tuy nhiên khi mới tốt nghiệp, họ vẫn cần trải qua quá trình huấn luyện, đào tạo thực tế tại doanh nghiệp. Vị trí đơn giản như kiểm thử, đóng gói, các kỹ sư có thể chỉ mất 3-6 tháng, nhưng với những khâu khó như thiết kế phần cứng hay kiến trúc chip, họ cần 1-2 năm với đáp ứng công việc.
Marvell là hãng chip hàng đầu thế giới hiện nay, với giá trị vốn hóa hàng trăm tỷ USD.
Lệ Nguyễn