UBND TP Đà Nẵng vừa trình Đảng ủy UBND thành phố phương án bố trí trụ sở làm việc và chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, hình thành TP Đà Nẵng mới. Theo đó, trụ sở Trung tâm hành chính sẽ đặt tại quận Hải Châu (Đà Nẵng), đồng nghĩa với việc phần lớn công chức hiện công tác tại Quảng Nam sẽ chuyển ra Đà Nẵng làm việc, kéo theo nhu cầu lớn về chỗ ở để thuận tiện công tác.
Qua rà soát, hiện Đà Nẵng có 1.681 cơ sở nhà đất; Quảng Nam có 2.610 cơ sở. Trong đó, Đà Nẵng có 112 trụ sở làm việc hiện hữu, Quảng Nam là 509. Thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng Quảng Nam thống kê nhu cầu thuê nhà công vụ và nhà ở xã hội của đội ngũ công chức sẽ chuyển công tác. Dựa trên kết quả khảo sát, TP Đà Nẵng chia phương án bố trí thành hai nhóm: nhà công vụ (thuê ngắn/dài hạn từ tài sản công) và nhà ở xã hội (mua, bán hoặc thuê - mua).
Cụ thể, các địa điểm bố trí nhà công vụ dự kiến gồm 810 phòng/căn, với tổng kinh phí sửa chữa, cải tạo khoảng 42 tỷ đồng. Trong đó, nhà số 4 Trần Phú (quận Hải Châu) có 10 phòng, ưu tiên bố trí cho cán bộ từ cấp Phó giám đốc sở trở lên.
Ký túc xá Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (đường Hà Thị Thân, quận Sơn Trà) có 140 phòng, dành cho cán bộ Quảng Nam, bố trí từ 2-4 người/phòng. Khối nhà C - Chung cư nhà ở xã hội Khu E2, khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ có 109 căn hộ, dự kiến dành cho các gia đình cán bộ có cả vợ chồng cùng chuyển công tác. Ký túc xá sinh viên phía Tây - khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) gồm 600 phòng, phục vụ nhu cầu thuê ngắn hạn hoặc dài hạn.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành 10 dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025-2029, cung cấp hơn 5.000 căn hộ để bán hoặc cho thuê - mua. Đồng thời, thành phố đề xuất bổ sung nhóm cán bộ, công chức, viên chức phải chuyển công tác do sắp xếp hành chính vào diện ưu tiên mua nhà ở xã hội theo Điều 79 Luật Nhà ở.
UBND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị cơ chế đặc thù, trong đó cho phép miễn thủ tục bốc thăm khi phân bổ nhà ở xã hội nhằm rút ngắn thời gian sắp xếp; đồng thời giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội xem xét các cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội phục vụ giai đoạn hậu sáp nhập.
Về trụ sở làm việc, nhiều sở, ngành sẽ chuyển ra khỏi Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (số 24 Trần Phú). Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ chuyển về trụ sở UBND quận Sơn Trà sau khi giải thể cấp quận. Thanh tra TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Sở Dân tộc và Tôn giáo làm việc tại Trung tâm hành chính quận Cẩm Lệ. Sở Công Thương sử dụng trụ sở hiện tại của Quận ủy Cẩm Lệ (số 133 Ông Ích Đường). Sở Tư pháp chuyển về trụ sở UBND phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (số 495 Trần Cao Vân).
Một số cơ quan sẽ duy trì hai trụ sở tại cả Đà Nẵng và Quảng Nam. Chẳng hạn, Văn phòng Thành ủy ngoài trụ sở tại số 72 Bạch Đằng (Đà Nẵng), sẽ được bố trí thêm tại số 24 Nguyễn Chí Thanh (TP Tam Kỳ) để duy trì các bộ phận phục vụ công tác chỉnh lý, số hóa tài liệu. Trường Chính trị thành phố tiếp tục hoạt động tại 48 Hồ Nghinh (Đà Nẵng) và 18 Lam Sơn (TP Tam Kỳ).
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND các quận, huyện chủ động tiếp nhận con em cán bộ, công chức, viên chức từ Quảng Nam, đặc biệt là học sinh đầu cấp như lớp 1 và lớp 6, đồng thời bố trí học tại các trường gần nơi làm việc của bố mẹ để đảm bảo điều kiện học tập thuận lợi nhất.
Nguyễn Đông