Tại Homer City, Pennsylvania, người dân ôm nỗi sợ mất nhà máy điện than trong nhiều năm trên vùng đất than phía tây bang này. Sau 54 năm hoạt động, nhà máy điện Homer City đã đóng cửa vào 2023.
"Khu vực này đã trải qua 20 năm khó khăn khi các mỏ bị đóng cửa. Việc đóng nhà máy là đòn giáng cuối cùng", Rob Nymick, quản lý thị trấn Homer City nói, thêm rằng họ không biết phải làm gì khi đó.
Những tuần gần đây, chủ sở hữu nhà máy điện trên đã phá dỡ các ống khói và tháp làm mát, đồng thời công bố dự án khuôn viên trung tâm dữ liệu chạy bằng khí đốt tự nhiên (LNG) 10 tỷ USD, lớn thứ ba nước Mỹ. Động thái này khiến một thị trấn đang "chết dần" cùng điện than nhen nhóm hy vọng thu hút thêm dân cư, cũng như mở lại hoạt động nhà hàng.
Các nhà máy điện than tại Mỹ vốn thua lỗ từ lâu, đang trở nên có giá trị hơn khi nhu cầu năng lượng đột ngột tăng mạnh. Các ứng dụng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo(AI) của các ông lớn công nghệ đã tạo nên cuộc chạy đua nước rút tìm kiếm nguồn năng lượng mới.
Nhằm thỏa mãn phần nào "cơn khát điện" của giới công nghệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng thẩm quyền khẩn cấp để duy trì nhà máy điện than. Todd Snitchler, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội cung cấp điện, dự kiến các sắc lệnh hành pháp của ông Trump sẽ kéo dài thời gian hoạt động của một số nhà máy điện than, nhưng chúng vẫn phải đóng cửa.
Trong khi đó, hàng loạt nhà máy đã hoặc sắp bị đóng cửa lại rất hấp dẫn với công ty công nghệ, nhà đầu tư mạo hiểm, cũng như các bên đang trong cuộc đua giành năng lượng.
Những nhà máy điện than này sở hữu đường dây cao thế kết nối lưới điện. Hạ tầng sẵn có này có thể cho phép thế hệ nhà máy điện mới như LNG, hạt nhân, gió, mặt trời hoặc thậm chí là lưu trữ pin, giúp đáp ứng nhu cầu nguồn điện mới nhanh hơn.
John Jacobs, nhà phân tích chính sách năng lượng của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng tại Washington, nói cơn ác mộng quan liêu đã cản trở các nỗ lực xin giấy phép cho các kết nối đường dây điện cao thế tại các nhà máy điện mới trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, một số nhà phát triển trung tâm dữ liệu phải chờ một năm để kết nối với lưới điện khu vực. Việc phê duyệt quanh hoạt động xây dựng đường dây điện cũng có thể khó khăn, bởi nhiều người dân phản đối việc sống gần đường điện cao thế.
Với nhu cầu điện cấp thiết, các nhà máy than sẵn hạ tầng được coi như một "lối tắt" cho ngành năng lượng. "Họ rất quan tâm đến tiềm năng ở đây. Mọi người đều thấy được sự cần thiết của cơ sở hạ tầng truyền tải, nhu cầu về nguồn điện sạch, khó khăn trong lựa chọn địa điểm cho các dự án và giá trị của việc tái sử dụng khu đất hoang", Jacobs phân tích
Cùng với đó, các nhà máy điện than cũ được dự đoán sẽ tăng tốc đóng cửa vào thời điểm nhu cầu điện đang tăng vọt sau nhiều thập kỷ.
Trong báo cáo tháng 12 năm ngoái, Bộ Năng lượng cho biết chiến lược đáp ứng nhu cầu điện mới gồm tái sử dụng các nhà máy điện than, vốn không thể cạnh tranh với LNG giá rẻ tràn ngập, trong khi phải chịu gánh nặng tuân thủ nghiêm ngặt hơn về phát thải khí nhà kính.
Thêm vào đó, liên bang cũng ra các chính sách ưu đãi, như tín dụng thuế và bảo lãnh cho vay, khuyến khích tái phát triển các nhà máy điện than đã đóng cửa thành các nguồn năng lượng mới.
Stephen DeFrank, Chủ tịch Ủy ban Tiện ích Công cộng Pennsylvania, dự báo phần lớn sẽ chuyển đổi sang LNG, bởi bang Pennsylvania nằm trên mỏ đá phiến Marcellus trù phú.
Trên khắp nước Mỹ, quá trình chuyển đổi đang diễn ra nhanh chóng. Các nhà máy thuộc sở hữu của Tennessee Valley Authority (nhà cung cấp điện lớn nhất do chính phủ sở hữu), Duke Energy, và một nhà máy tại Georgia sẽ chuyển sang vận hành bằng LNG. Các đường dây cao thế tại các nhà máy than cũ trên bờ biển Đại Tây Dương ở New Jersey và Massachusetts được tận dụng để kết nối các turbin gió ngoài khơi với lưới điện.
Tại bang Alabama, nhà máy điện than Plant Gorgas (đã đóng cửa vào năm 2019) sẽ được "tái sinh" thành nhà máy lưu trữ năng lượng bằng pin quy mô lớn đầu tiên của công ty điện Alabama.
Điện hạt nhân cũng được xem xét kỹ lưỡng để thay thế các nhà máy điện than hết thời. Tại Arizona, các nhà lập pháp đang thúc đẩy, tạo thuận lợi cho ba công ty Arizona Public Service, Salt River Project và Tucson đặt các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến tại địa điểm của nhà máy điện than đã ngừng hoạt động.
Kathryn Huff, cựu trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ phụ trách điện hạt nhân, hiện là phó giáo sư tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, nói Bộ đã phân tích các địa điểm phù hợp để xây dựng lò phản ứng hạt nhân tiên tiến.
Một yếu tố hấp dẫn là những công nhân từ các nhà máy điện than có thể được đào tạo để làm việc tại nhà máy điện hạt nhân, Huff nói thêm. Những nghề tái đào tạo được gồm thợ điện, thợ hàn và kỹ thuật viên bảo trì turbin hơi nước.
Năm ngoái, Đại học Purdue đã nghiên cứu cách bang Indiana có thể thu hút ngành công nghiệp điện hạt nhân mới, theo "đặt hàng" từ Thống đốc bang. Trong báo cáo tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia trong trường ước tính việc tái sử dụng một địa điểm nhà máy điện than cho nhà máy điện hạt nhân mới giúp giảm 7-26% chi phí dự án.
Bảo Bảo (theo AP)