Nguyễn Phương Anh, 22 tuổi, Hà Nội, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, là một trong khoảng 3.000 sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội cuối tháng trước.
"Đó không phải kết quả ngẫu nhiên", Phương Anh nói. "Đó là mục tiêu phấn đấu và cũng là thử thách mình đặt ra từ năm thứ hai đại học. Mình đã có kế hoạch cho từng kỳ để đạt được".
Khi còn là học sinh trường THPT Yên Hòa, Phương Anh từng thích ngành Truyền thông và Sự kiện. Nhưng được truyền cảm hứng từ thầy cô trong thời gian học online do Covid-19, nữ sinh bắt đầu tìm hiểu nhóm ngành Sư phạm, chọn ngành Ngôn ngữ Anh ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
"Mình khi đó suy nghĩ đơn giản rằng lựa chọn này sẽ tạo nền tảng tốt nếu đi theo Truyền thông, nhưng cũng giúp dễ dàng rẽ hướng làm giáo viên", Phương Anh kể. Nữ sinh cho hay "chỉ vừa đủ đỗ" khi điểm chuẩn năm 2021 là 27,4 ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).
Vào trường, dù phải học online do Covid-19 gần như trong năm đầu, Phương Anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm gia sư, biên tập viên học liệu.... Điều này khiến nữ sinh không cân bằng được thời gian học tập.
Cũng vì chưa có phương pháp học hiệu quả, kết thúc năm thứ nhất, điểm học tập của Phương Anh ở mức 3.6. Dù vẫn đạt loại giỏi, với Phương Anh, đây là kết quả không tốt, trượt học bổng, trong khi thường đứng đầu ở lớp trong những năm cấp 3.
"Đó là lúc mình nhận ra cần sốc lại bản thân, chú tâm hơn vào việc học và phải có mục tiêu, kế hoạch cụ thể", Phương Anh nói.
Nữ sinh thường dành buổi sáng sớm để lên ý tưởng, kế hoạch cho các hoạt động phong trào. Thời gian còn lại trong ngày, Phương Anh toàn tâm cho việc học.
Không còn phải học online, dễ dàng kết nối với anh, chị khóa trên hơn, Phương Anh được chia sẻ nhiều phương pháp, tài liệu học. Nữ sinh nhận thấy học nhóm rất hiệu quả nên tìm bạn bè để hỗ trợ.
Riêng các môn chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Phương Anh học từ mọi nguồn có thể như sách báo, phim ảnh, ca nhạc. Khi thấy một cụm từ hay, nữ sinh ghi lại để xem và nhớ. Mỗi lần sử dụng được cụm từ đó trong giao tiếp thực tế hay khi học, Phương Anh lại có động lực để tiếp tục.
Năm thứ ba là khoảng thời gian Phương Anh bận rộn nhất khi vừa là lãnh đạo Hội Sinh viên khoa Tiếng Anh, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời đăng ký học cải thiện 5 môn để đổi điểm từ B hay B+ lên A, nhằm đạt mục tiêu ra trường với điểm tuyệt đối.
"Áp lực về thời gian là rất lớn", Phương Anh nhìn nhận. Thời điểm căng thẳng nhất là kỳ làm khóa luận tốt nghiệp, vì phải làm nghiên cứu độc lập.
"Có những lúc mình bế tắc, cả ngày viết mãi chỉ được một đoạn nhỏ", Phương Anh kể. "Nhưng cách cô động viên rằng mình đã đi đúng hướng khiến mình làm bài trong tâm thế tự tin hơn".
Hướng dẫn Phương Anh làm khóa luận, TS Trần Hương Quỳnh, Trưởng khoa Tiếng Anh, đánh giá cao sự chỉn chu, cầu toàn, khả năng tự học, tự hoàn thiện của học trò.
"Khóa luận tốt nghiệp của Phương Anh về nội dung ngữ dụng trong sách giáo khoa Tiếng Anh, là đề tài khó khi gắn với sự phát triển chương trình, học liệu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018", cô Quỳnh nói. "Nhưng nhờ nỗ lực, khóa luận được hội đồng chấm 9,6 điểm, cao nhất trong các sinh viên tốt nghiệp đợt này".
Cũng theo cô Quỳnh, Phương Anh là trường hợp rất hiếm của khoa đạt điểm tuyệt đối cả về học tập và rèn luyện trong những năm qua. Nữ sinh là trưởng ban tổ chức nhiều chương trình, từng đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt", Giải thưởng Hoa Tháng Giêng cho cán bộ Hội xuất sắc của trường.
Hiện, Phương Anh làm việc tại một trung tâm tiếng Anh, song song chuẩn bị để xét tuyển bậc thạc sĩ ngành Lý luận dạy học Tiếng Anh.
"Mình không còn phân vân ngành Truyền thông hay Sư phạm nữa", Phương Anh nói. "Mình ngưỡng mộ thầy cô trường Sư phạm và muốn trở thành giảng viên tận tâm, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu chuyên sâu như các thầy cô".
Dương Tâm