Ngày 26/3, ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng các sở ngành có buổi kiểm tra hai dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7) và đường vành đai phía Tây đang được triển khai.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 với tổng vốn đầu tư hơn 7.237 tỷ đồng, đang gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng, khó có thể khởi công vào dịp 30/4 như dự kiến.

Dự án này đi qua hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy, với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 27ha và có hơn 1.000 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 983 hộ gia đình, cá nhân và 83 tổ chức. Dự án cần khoảng 300 nền tái định cư, trong đó quận Ninh Kiều cần 80 nền, Bình Thủy cần 220 nền.
Đến thời điểm này mới có 101 trường hợp có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với số tiền gần 374 tỷ đồng, đã chi trả cho 77 trường hợp với số tiền 299,5 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - chủ đầu tư dự án, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, một số trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, đất nằm trong hành lang lộ giới, đất mương lộ, cơi nới, lấn chiếm, đất cặp sông...
Một số vị trí đất khác chưa có giá đất để bồi thường; một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà trên đất người thân và trên đất không đủ điều kiện bồi thường; việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất của các tổ chức chưa thể lập phương án bồi thường, hỗ trợ do chưa có quy định cụ thể.
Một khó khăn khác là việc bố trí 300 nền tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo UBND quận Bình Thủy, quận đã cung cấp vị trí 40 nền tại Khu Hành chính và Trung tâm Thể dục thể thao quận nhưng vẫn chưa có giá nộp tiền sử dụng đất khi giao, còn 180 nền chưa có vị trí.
Còn quận Ninh Kiều đang xin quỹ nền của Ban Quản lý dự án ODA (khu tái định cư An Bình) với 80 nền để bố trí cho dự án do khu tái định cư này còn 200 nền nhưng vẫn phải chờ ý kiến của Ngân hàng thế giới.

Từ thực tế này, đối với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91, ông Trương Cảnh Tuyên yêu cầu để triển khai dự án, các đơn vị liên quan phải xây dựng kế hoạch hết sức chi tiết, phân công cụ thể người phụ trách, với phương châm "5 rõ" như Thủ tướng chỉ đạo là "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".
Người đứng đầu UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu hai quận có dự án đi qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan rà soát, nhanh chóng quyết toán chi phí ở thời điểm dự án bị tạm ngưng vào năm 2011. Qua đó tập trung giải quyết dứt điểm để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Tuyên cũng nhận định với tình hình trên, dự án khó có thể khởi công dịp 30/4 năm nay mà sớm nhất cũng phải hết tháng 5, đầu tháng 6 mới có thể khởi công.
Ông yêu cầu Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ các bước để thẩm định hồ sơ, một số hạng mục hạ tầng.
Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh hoàn thành các khu tái định cư tập trung, đồng thời tuyên truyền tái định cư phân tán, đề xuất những vấn đề có lợi cho người dân để TP xem xét.
Dự án đường vành đai phía Tây với tổng vốn đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng (đang chờ điều chỉnh chủ trương tăng vốn), thời gian thực hiện năm 2021-2026 do Sở Xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án dài gần 20km này sau hơn 2 năm khởi công, đến nay mới triển khai 4/7 gói thầu, khối lượng thực hiện hơn 32,8%.
Đáng chú ý, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án này đến nay mới đạt khoảng 50%. Cụ thể, với diện tích đất cho dự án là hơn 156ha, với khoảng 1.247 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện mới chi trả cho 655 trường hợp.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, cáp viễn thông) đến nay cũng chưa hoàn thành.
Đối với dự án này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cùng UBND các quận, huyện liên quan tập trung công tác giải phóng mặt bằng các gói thầu đang triển khai để bàn giao cho đơn vị thi công.
Sở Xây dựng lên phương án cụ thể về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trình Ban cán sự Đảng UBND TP và HĐND TP xem xét.