Chiều và tối 31/3, tận dụng từng phút trong "thời gian vàng cứu hộ", bộ đội Việt Nam triển khai công tác tìm kiếm người mất tích tại khu dân cư Bala Tidi, Quận Zabu Thiri, Thủ đô Naypitaw.
Đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam đã chia thành 3 mũi công tác, phụ trách 3 tòa nhà nghi có nạn nhân mắc kẹt. Mỗi mũi đều có sự phối hợp của lực lượng công binh, huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ và quân y, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn và 2 Phó đoàn.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam - Tổng chỉ huy lực lượng, cho biết khu vực được xác định còn người mắc kẹt bao gồm 3 tòa nhà số 2367, 2386 và 2387, mỗi tòa có 24 phòng. Theo thông tin từ người dân địa phương, sau trận động đất, khu vực này vẫn còn 3 người mắc kẹt, gồm 2 nữ và một nam. Mặc dù một số đội cứu hộ quốc tế khác đã tiếp cận khu vực, nhưng chưa xác định được vị trí chính xác của các nạn nhân.
Một người phụ nữ Myanmar có con gái bị mắc kẹt trong đống đổ nát nghẹn ngào nói đã ngồi đây suốt 3 ngày. "Tôi chỉ cầu mong có một phép màu để các bạn giúp tôi tìm thấy con bé", bà nói, trực tiếp dẫn đường để lực lượng Việt Nam tiếp cận ngôi nhà bị sập.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết sau buổi chiều tìm kiếm, lực lượng Việt Nam đã xác định được hai vị trí có nạn nhân và đang nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ. "Trong trường hợp điều kiện đêm tối không đảm bảo an toàn, lực lượng sẽ tạm dừng và tiếp tục công tác tìm kiếm, cứu nạn vào sáng ngày mai", ông nói.
Tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ Việt Nam nhấn mạnh những khó khăn do thiếu trang thiết bị hạng nặng (như máy xúc) từ phía nước sở tại, khiến toàn bộ công tác cứu hộ phải dựa vào trang thiết bị thô sơ và sức người. Lực lượng cứu hộ của Việt Nam phải sử dụng máy cắt để dọn dẹp chướng ngại vật. Hiện trường ngổn ngang các khối bêtông gãy đổ xếp chồng lên nhau, việc khoan có thể gây rung lắc rất nguy hiểm.
Ông cho biết ưu tiên hàng đầu là sử dụng chó nghiệp vụ để dò tìm nguồn hơi, xác định vị trí có thể còn người sống sót hoặc thi thể. Sau khi chó nghiệp vụ thứ nhất phát hiện và báo hiệu, chó nghiệp vụ thứ hai sẽ được đưa vào để kiểm tra và đối chứng. Khi vị trí được xác nhận, các thiết bị dò tìm chuyên dụng như radar xuyên tường và hệ thống dò tìm bằng hình ảnh sẽ được sử dụng để xác định tọa độ và khoảng cách chính xác của nạn nhân, từ đó triển khai phương pháp giải cứu bằng các trang thiết bị có thể mang vác.
Nhiệt độ ở Naypyidaw lúc 16h gần 40 độ C. Trung tá Đinh Mạnh Tiên (Đội Chó nghiệp vụ, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng) cho biết nắng nóng sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình tìm kiếm, ví dụ như đường hít của chó nghiệp vụ sẽ hạn chế hơn.
Sau khi đến sân bay quốc tế Yangon vào tối qua, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Việt Nam đã di chuyển bằng ôtô qua quãng đường gần 500 km để tới thủ đô Naypyitaw vào lúc hơn 3h sáng 31/3. Đoàn đã nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, tổ chức các lực lượng trinh sát thực địa và bắt tay ngay vào việc tìm kiếm nạn nhân.
Trận động đất 7,7 độ xảy ra ngày 28/3 ở Myanmar và sau đó vài phút xuất hiện dư chấn 6,7 độ, phá hủy nhiều tòa nhà, làm sập cầu và hư hại đường sá trên khắp nước này. Cơ quan truyền thông chính quyền quân sự Myanmar ngày 31/3 cập nhật số người thiệt mạng trong vụ động đất cuối tuần qua là 2.056, khoảng 3.900 người bị thương và gần 270 trường hợp còn mất tích.
Đây là lần thứ hai Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu trợ quốc tế sau thảm họa động đất. Lần đầu tiên là vào tháng 2/2023, sau trận động đất mạnh 7,8 độ tại Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của 76 quân nhân thuộc các lực lượng biên phòng, quân y và công binh. Trong 10 ngày thực hiện nhiệm vụ, đoàn cứu hộ quân đội Việt Nam đã phát hiện 15 vị trí có người, trong đó có 2 vị trí ghi nhận dấu hiệu sự sống. Đoàn đã bàn giao các vị trí này cho đơn vị cứu hộ địa phương và đưa được tổng cộng 28 thi thể ra ngoài.
Hoàng Phương - Sơn Hà