Chính thức khai thác cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ

Hôm nay (5/4), Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) chính thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường Châu Âu, Châu Mỹ.


Dự án Bến số 5, và số 6 khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) do Tập đoàn Hateco đầu tư, có tên giao dịch là Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT).


Dự án được phê duyệt theo quyết định 299 năm 2021 và quyết định điều chỉnh 186 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trở thành dự án phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân.


Được khởi công từ tháng 8/2022, sau hơn 30 tháng thi công, với hơn 1.500 nhân công và sự phối hợp của 100 nhà thầu, tư vấn, dự án được triển khai liên tục, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng.


Chính thức công bố hoạt động của Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng, ngày 5/4. Ảnh: HTC

Với quy mô gần 73ha, trong đó, bến chính dài 900m và bến sà lan 300m, Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới, công suất khai thác đạt 2,2 triệu TEU/năm, là cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất miền Bắc.


Ông Trần Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hateco cho biết, sau dự án cảng biển ở miền Bắc, Hateco tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư các dự án cảng biển quốc tế tại miền Trung và miền Nam của Việt Nam, tạo chuỗi logistics liên hoàn 3 miền, vận chuyển hàng hoá, phục vụ cho nền kinh tế quốc gia.


Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định, Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng hải, cảng biển tại khu vực Lạch Huyện.


Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng nhìn từ trên cao. Ảnh: HTC

Đánh giá về việc doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, hàng hải luôn là lĩnh vực thu hút lượng lớn nguồn đầu tư tư nhân so với các hạ tầng khác với phương châm kết cấu hạ tầng công cộng chỉ chiếm 14% tổng mức đầu tư hàng hải.


Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, định hướng sắp tới của ngành hàng hải là nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào kết cấu hạ tầng cảng biển sẽ chiếm khoảng 95% tổng mức đầu tư.


"Việc đưa vào khai thác Bến số 5, 6 là minh chứng cho định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thu hút các thành phần tư nhân khác vào kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng cảng biển", ông Sang nói.


Lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá, việc đưa vào khai thác bến số 5, 6 và sắp tới là bến cảng số 3, 4 sẽ tạo thành hệ thống 6 bến cảng tại Lạch Huyện. Điều này không chỉ phù hợp với quy hoạch tổng thể, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá của không chỉ của Hải Phòng mà của cả khu vực phía Bắc.


Cảng duy nhất có đường sắt chạy qua ở Hải Phòng sắp phải di dời

Là bến cảng đầu tiên của cảng Hải Phòng, là cảng duy nhất hiện nay trên cả nước có đường sắt kết nối trực tiếp, cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 150 năm.